Thời sự
Gặp người thương binh qua 2 cuộc kháng chiến trên đất Bắc Yên
08:26 AM 20/11/2017
(LĐXH) - Tiếp chúng tôi tại căn nhà rộng khoảng gần 100m2, 4 tầng, ngay mặt đường thuộc trung tâm thị trấn Bắc Yên, bác Bùi Đăng Bình (thương binh hạng 4/4 - sinh năm 1954) với dáng người tầm thước, vui vẻ kể về những kỷ niệm trong trận tuyến cũng như việc tham gia các hoạt động xã hội khi đã nghỉ hưu…
Tự hào về gia đình, bác Bình thật thà chia sẻ: “Có được cơ ngơi này là do công sức của bà xã cùng sự nỗ lực của cả gia đình. Nhiều năm trước đây, mỗi thành viên của gia đình đều phải phát huy những thế mạnh của mình để duy trì cuộc sống và có sự tích lũy, từ chăn nuôi, làm vườn, sửa chữa điện tử, dịch vụ… Đến bây giờ tôi luôn tự hào vì đã vượt qua những khó khăn hoàn thành nhiệm vụ ở mọi cương vị, con cái thành đạt và kinh tế gia đình cơ bản ổn định và có hướng phát triển bền vững…”
Bác Bùi Đăng Bình (thứ 2 từ trái qua) trao đổi với PV và đại diện lãnh đạo Phòng LĐTBXH Bắc Yên
Được biết bác Bùi Đăng Bình, quê quán ở xã Đồng Phú huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình. Tròn 20 tuổi, người thanh niên ấy nhập ngũ, tham gia huấn luyện tại Đoàn 22 Quân khu 4, đóng tại xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh. Đầu tháng 12/1975 được điều về C6, D8, E266, F341, Quân đoàn 4 đóng tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trung tuần tháng 2 năm đó, bác cùng đơn vị được lệnh tiến vào chiến trường B2, đánh chiếm và giải phóng xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất 2 miền đất nước. Từ 26 – 30/4/1975, bác cùng nhiều đơn vị thuộc nhiều quân đoàn, binh đoàn tiến đánh và giải phóng các địa danh: Trảng Bom, Giầu Dây, Sân bay Biên Hòa, Trại An dưỡng Quân khu 3 của Ngụy rồi đến tầm 10g ngày 1/5/1975 đơn vị tập kết tại Dinh Độc lập. Sau chiến thắng lừng lẫy địa cầu ấy, cuối tháng 5/1975, bác được điều động về khu vực Ngã 3 Bình Hòa nay là Quận Bình Thạnh làm công tác quân quản…
Tiếp tục chia sẻ về những năm tháng trong quân ngũ, Bác Bình nhớ lại: “Từ tháng 12/1977 đến tháng 4/1981, tôi làm nghĩa vụ quốc tế ngăn chặn nạn diệt chủng do bè lũ Pôn - Pốt gây ra tại nước bạn Cămpuchia. Cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt, đến ngày 15 tháng 2 năm 1979, trong một đợt truy quét tàn quân Pôn Pốt ở khu vực Săm Lốt thuộc tỉnh Bát Tam Băng (miền Tây Cămpuchia) tôi bị thương do vướng mìn cài lại của địch rồi được chuyển về trạm quân y 115 tại Thành phố Hồ Chí Minh điều trị gần 3 tháng rồi tiếp tục quay trở lại đơn vị chiến đấu đến tháng 4/1981 thì chuyển ngành và về Bắc Yên công tác…”
Về địa phương bác đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Bắc Yên tỉnh Sơn La. Hơn 15 năm gắn bó với nghề phóng viên, biên tập viên đến tháng 11/1996 luân chuyển vị trí Phó Văn phòng rồi Chánh Văn phòng huyện ủy Bắc Yên, tháng 7/2005 đến tháng 10/2009 giữ chức vụ Phó trưởng Ban Tổ chức huyện ủy… là ủy viên BCH Đảng bộ huyện Bắc Yên khóa XII (nhiệm kỳ 2000 – 2005) khóa XIII (nhiệm kỳ 2005- 2010).
Nhận xét về bác Bùi Đăng Bình, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Bắc Yên, ông Hà Huy Hoàng chia sẻ: “Mặc dù đã từng trải qua nhiều cơ quan, đơn vị và từng giữ nhiều trọng trách, bác Bình luôn là người có trách nhiệm với công việc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và chính quyền giao phó. Hiện tại, đã nghỉ hưu về quây quần bên con cháu song bác luôn chấp hành và thực hiện đầy đủ các quy định của địa phương, quy ước, hương ước và cam kết nơi cư trú… Đặc biệt, bác vẫn dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động, công tác xã hội ở Tiểu khu 3 thị trấn Bắc Yên với nhiều chức danh như Chi ủy Tiểu khu 3, Chi hội trưởng chi Hội Cựu chiến binh tiểu khu, Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Thái Bình tại huyện Bắc Yên…”
Được biết, tại Đại hội Bảo trợ Người Tàn tật và Trẻ mồ côi Bắc Yên, bác Bình được bầu vào BCH rồi Ban Thường vụ và giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội khóa IV (nhiệm kỳ 2013-2018). Bác chia sẻ: “Thời gian làm việc ở Hội Bảo trợ Người Tàn tật và Trẻ Mồ côi tôi đã thấu hiểu những thiệt thòi, khó khăn và những nỗi khổ của đối tượng, do vậy sau 4 năm tôi cùng với Ban Thường vụ tích cực vận động, quyên góp xây dựng quỹ được gần 500 triệu đồng, hàng năm trích khoảng 150 – 180 triệu đồng giúp đỡ cho 550 đối tượng… Ngoài ra, Hội còn tổ chức trao tặng 20 xuất học bổng và 10 xe đạp cho học sinh khuyết tật nhẹ, mồ côi, 30 xe lăn cho người khuyết tật, phối hợp với HTX Mường Tấc tổ chức 3 lớp dạy nghề trồng nấm, chăn nuôi cho 110 người khuyết tật ở xã Phiêng Ban và Mường Khoa tạo việc làm và thu nhập cho các đối tượng…”
NHB
 
Từ khóa: NCC; Bắc Yên