Lao động
Đồng Nai rà soát lại toàn bộ công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh
11:22 AM 29/09/2017
(LĐXH) - Ngày 28/9, Ban Văn hóa xã hội (HĐND) tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Sở LĐ-TBXH về công tác đào tạo nghề năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017. Dự buổi làm việc có đồng chí Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh và lãnh đạo các sở, ngành, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn.

Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, cùng với việc tham mưu cho UBND tỉnh rà soát quy hoạch, kế hoạch và chương trình, đề án đào tạo nghề; tiến hành sắp xếp, cập nhật lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đề xuất phương án chuyển giao quản lý một số đơn vị dạy nghề từ ngành Giáo dục đào tạo chuyển sang ngành LĐ-TB&XH theo quy định, Sở đã đẩy mạnh công tác truyền thông về đào tạo nghề, hướng nghiệp, phân luồng học sinh THCS vào học nghề…Hiện toàn tỉnh có 64 cơ sở dạy nghề, trong đó có 12 trường cao đẳng, 11 trường trung cấp, 25 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công ty có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; với tổng số 2.815 giáo viên dạy nghề.

Trong năm 2016 và đầu năm 2017, tỉnh tuyển mới đào tạo nghề hơn 101,8 ngàn người (đạt 74,97% kế hoạch); và có hơn 91,4 ngàn người tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề, qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh từ 50,13% năm 2015 lên 53,04% cuối năm 2016, đạt chỉ tiêu đề ra và tỷ lệ lao động qua đào tạo trung cấp trở lên đạt 17,63%.

Riêng chương trình đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao, hiện có 407 người đang theo học các nghề: điện tử công nghiệp, chế tạo thiết bị cơ khí, công nghệ hàn, kỹ thuật cơ khí ứng dụng CNC, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn quốc tế tại trường cao đẳng Lilama 2. Kế hoạch năm 2017, dự kiến tuyển thêm 200 người học thuộc diện người lao động bị thu hồi đất của dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Đối với hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), toàn tỉnh tổ chức dạy nghề cho 7.139 LĐNT, có 34,6% học nghề phi nông nghiệp; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 85%. Một số mô hình đạo tạo nghề cho LĐNT hiệu quả hiện nay đang được triển khai như: mô hình chăn nuôi dê, trồng tiêu, may công nghiệp, đan lát thủ công, mô hình chế biến gỗ, gỗ mỹ nghệ…

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn đề nghị, cần phải xác định rõ, công tác đào tạo nghề, nhất là chủ trương đào tạo nghề cho LĐNT không phải chỉ là trách nhiệm riêng của ngành LĐ-TB&XH mà trách nhiệm chung của tất cả các địa phương trong tỉnh, do đó việc triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở LĐ-TB&XH với vai trò cơ quan tham mưu quản lý nhà nước với từng huyện, thị xã, thành phố trong việc khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu việc làm từ đó đề ra chỉ tiêu, giải pháp thực hiện cụ thể.

Đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Sở cần tập trung rà soát lại toàn bộ mạng lưới cơ sở dạy nghề, số lượng người học nghề; xây dựng lộ trình chuyển đổi các cơ sở dạy nghề công lập sang cơ chế tự chủ về tài chính, xóa bỏ cơ chế bao cấp ngân sách như hiện nay; mạnh dạn đổi mới hoạt động quản lý nhà nước, tập trung đầu tư có trọng điểm, tạo dựng cơ sở nghề uy tín, thu hút người học nghề trình độ cao, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh) cũng đề nghị, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay còn rất nhiều bất cập trong đó tỷ lệ tốt nghiệp nghề trình độ cao đẳng, trung cấp quá thấp (chỉ đạt 40-50%). Vì vậy, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH cần chủ động rà soát lại công tác quản lý nhà nước cả đào tạo nghề cho LĐNT cũng như giáo dục nghề nghiệp về cơ sở vật chất, người học, đội ngũ giáo viên; tham mưu cho UBND tỉnh cơ cấu lại ngành nghề đào tạo, cơ sở dạy nghề, từ đó có chính sách phù hợp đầu tư phù hợp, nâng chất lượng dạy nghề; mạnh dạn xóa bỏ các cơ sở dạy nghề không hiệu quả./.

                                                                                        N. Trinh