Xã hội
“Đền ơn đáp nghĩa” – nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Ninh Bình
10:36 AM 11/02/2024
(LĐXH)- Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành và nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn xác định công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và đã chỉ đạo thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội, các địa phương, Ninh Bình đã thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người có công và thân nhân. Đến nay, Ninh Bình không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.
Nhiều chính sách hỗ trợ cho người có công
Trong các cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, Ninh Bình có trên 235 nghìn cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Trải qua các cuộc chiến đấu, đã có trên 16.900 người con ưu tú anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sỹ; 1.275 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 13.000 thương binh, trên 8.000 người là bệnh binh, trên 8.900 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học mang bệnh tật trong người đến hết đời… 
Việc chi trả chế độ, chính sách cho người có công luôn được tỉnh quan tâm, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Hằng năm, vào các ngày lễ, Tết, cùng với quà của Chủ tịch nước, Ninh Bình cũng dành nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng để thăm, tặng quà người có công với cách mạng. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng đồng hành trong hoạt động tri ân ý nghĩa này; qua đó đã phần nào bù đắp nỗi đau về thể chất, tinh thần cho các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ.
 Đồng chí Đoàn Minh Huấn - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình thăm hỏi thương, bệnh binh đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (tháng 7/2023)
Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã có sức lan tỏa rộng khắp, từ đó tạo nguồn lực lớn để triển khai các hoạt động tiêu biểu như: Chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, dạy nghề, tạo việc làm; đón thương binh nặng về an dưỡng tại gia đình; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, đồ gia dụng tình nghĩa; vườn cây, ao cá tình nghĩa... 
Vào dịp tháng 7 hằng năm, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân đã chung tay thực hiện rất nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: thăm, tặng quà người có công; tổ chức khám, tư vấn điều trị, cấp thuốc miễn phí; trao tặng nhà tình nghĩa… Dịp 27/7/2023, cùng với quà của Trung ương, tỉnh cũng dành kinh phí trên 8 tỷ đồng để thăm, tặng quà các thương, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình người có công với cách mạng. Những phần việc ý nghĩa ấy là tình cảm, là lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đặc biệt, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" tỉnh Ninh Bình được thành lập năm 2017. Đến năm 2023, đã tiếp nhận được hơn 74 tỷ đồng ủng hộ. Từ nguồn quỹ này, đã hỗ trợ hơn 55 tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa 935 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ sản xuất, khám chữa bệnh, học sinh nghèo vượt khó, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ các tỉnh kết nghĩa với Ninh Bình khi gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh. Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho trên 2 nghìn hộ người có công với tổng kinh phí trên 62 tỷ đồng (trong đó trích từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" của tỉnh là trên 15 tỷ đồng) theo tinh thần Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Ngoài ra, từ nguồn xã hội hóa, Ninh Bình đã xây dựng mới và sửa chữa gần 300 nhà tình nghĩa, kinh phí trên 10 tỷ đồng.   
Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết, những năm qua, công tác giải quyết chính sách và chăm sóc người có công với cách mạng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm đặc biệt. Ngoài việc giải quyết đúng, đủ chính sách theo quy định của Trung ương, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho người có công, điển hình là chính sách đặc thù để xóa hộ nghèo là người có công với cách mạng, vì thế đời sống của người có công và gia đình người có công trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ nét. Tỉnh đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công, nhất là công tác điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung, vừa nhằm chăm sóc sức khỏe về thể chất và tinh thần cho người có công, vừa là dịp ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc. 
Riêng trong năm 2023, Sở LĐTB&XH Ninh Bình đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 102/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 quy định chính sách điều dưỡng phục hồi chức năng tập trung cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn và Kế hoạch triển khai thực hiện. Mục tiêu của Nghị quyết nhằm nâng tỷ lệ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ lên khoảng 40% (tương ứng 2.750 người) trên tổng số 7.000 người đủ điều kiện được hưởng chính sách điều dưỡng hằng năm. Các chính sách từ Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua đã đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của người dân, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng và thân nhân gia đình chính sách. 
Bên cạnh đó, trình Chính phủ cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 01 liệt sĩ; trình Bộ LĐTB&XH cấp lại 433 Bằng “Tổ quốc ghi công” do bị rách, mất; ban hành Quyết định trợ cấp 01 lần theo Quyết định số 62, Quyết định số 57 cho 51 trường hợp với kinh phí 161,5 triệu đồng; tham mưu, tổ chức tốt các đoàn lãnh đạo tỉnh thăm, tặng 172.854 suất quà, trị giá trên 50 tỷ đồng cho người có công và tổ chức lễ dâng hương hoa tại Đền thờ liệt sĩ, Đài tưởng niệm liệt sĩ; kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ đảm bảo thiết thực, trang trọng, ý nghĩa.  
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo giải quyết trên 5.352 hồ sơ đề nghị xác nhận, giải quyết chế độ chính sách cho người có công, không để tồn đọng kéo dài; thực hiện quản lý chặt chẽ đối tượng và tiến hành chi trả chế độ chính sách đối với trên 21,1 nghìn người có công với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Ban hành Quyết định thực hiện điều dưỡng cho 9.088 đối tượng người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ năm 2023 và đề nghị các địa phương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Trong năm 2023, tỉnh đã tổ chức đưa 1.763 người có công đi điều dưỡng tập trung đảm bảo an toàn, chu đáo.
Thực hiện tốt công tác quản lý nghĩa trang, mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; sửa chữa Đền thờ liệt sỹ và Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh; quản lý và hướng dẫn thân nhân liệt sĩ thăm viếng, lấy mẫu thử AND và di chuyển hài cốt liệt sĩ về nguyên quán. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người có công được nâng lên, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 100% bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng đến hết đời; 100% xã, phường, thị trấn giữ vững danh hiệu làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công.
Duy trì 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Giám đốc Sở LĐTB&XH Ninh Bình khẳng định địa phương sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Ðảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước về công tác người có công với cách mạng; tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng; xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; duy trì 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng đến hết đời. 
Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ lao động - thương binh và xã hội, đặc biệt là cấp cơ sở. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng.
Cùng với đó, kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
Đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa”. Thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, tự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Tân Khang