Xã hội
Đến 2020, Ninh Thuận phấn đấu đạt mục tiêu giảm từ trên 1,5% tỷ lệ hộ nghèo
03:46 PM 02/10/2017
(LĐXH)- Thời gian qua, thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, tỉnh Ninh Thuận đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo, hộ nghèo. Mục tiêu giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Theo đó, Ninh Thuận đã có những chính sách đặc thù, ưu tiên về nguồn lực để giúp cho người nghèo, người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, chủ động hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiêu biểu như vấn đề nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, giáo dục và đào tạo, tạo việc làm, tăng thu nhập... cho hộ nghèo. Đến nay, với các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án cho chương trình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả tích cực, hoàn thành tốt việc xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh của tỉnh. Kết quả tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 12,54%, hộ cận nghèo là 10,31%; phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%, hạn chế tối đa hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới.

Xã hội hóa công tác giảm nghèo với sự tham gia của các hội, đoàn thể

chăm lo, giúp đỡ các gia đình khó khăn

Ngày 12/4/2017, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2017 theo hướng tiếp cận đa chiều. Một trong những định hướng lớn và mới trong công tác giảm nghèo năm 2017 cũng như toàn giai đoạn 2016-2020 là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo từ các nguồn xã hội hóa, cộng đồng doanh nghiệp. Quan trọng nhất là sớm đề xuất, sửa đổi các chính sách giảm nghèo không còn phù hợp, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, nhất là về vay vốn sản xuất, phát huy tính tự lực, tự cường trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh cho hộ nghèo có tâm lý ỷ lại. Theo đó, thời gian đến, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo, tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm, giáo dục định hướng xuất khẩu lao động. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận dịch vụ thông tin. Tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nhằm huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách.

Do tình hình kinh tế-xã hội Ninh Thuận còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo với tỷ lệ hộ chiếm 12,54% số hộ trên địa bàn tỉnh. Để vươn lên thoát nghèo bền vững, ngoài sự phấn đấu vươn lên của gia đình và bản thân thì đồng bào nghèo đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội, nhất là sự hỗ trợ thiết thực từ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp. Trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2017, Ninh Thuận sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền về  ý nghĩa, kết quả của cuộc vận động; vinh danh các tập thể, cá nhân điển hình, đi đầu trong phong trào ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; vận động ủng hộ quỹ, trong đó chú trọng vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh chăm lo, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Toàn tỉnh phấn đấu vận động “Quỹ vì người nghèo” năm 2017 đạt trên 12 tỷ đồng.

Nhiều mô hình cây trồng phù hợp đã giúp người dân Ninh Thuận từng bước thoát nghèo

Với mục tiêu giai đoạn 2016-2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong tỉnh từ 1,5-2% theo tiêu chí mới, trong đó, huyện Bác Ái giảm 4-5%, toàn tỉnh tập trung vào các nhóm giải pháp: đối với nhóm không nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản mà nghèo về thu nhập sẽ tập trung chính sách tạo sinh kế; nhóm nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản mà không nghèo về thu nhập thì sẽ có chính sách hỗ trợ tiếp cận; các hộ mới thoát nghèo cũng sẽ tiếp tục được quan tâm hỗ trợ về phương tiện, tư liệu sản xuất trong khoảng thời gian đầu mới thoát nghèo… Chương trình giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều được kỳ vọng sẽ cụ thể hóa được mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, kéo giảm chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn… góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

 Trần Huyền