Xã hội
Đề xuất xây dựng Luật Công tác xã hội
09:31 PM 15/11/2016
Ngày 15/11/2016, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đề xuất chủ trương xây dựng Luật Công tác xã hội”.
Toàn cảnh hội thảo
Theo ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, hiện nay, số đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội rất lớn. Cả nước có 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn một triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, khoảng 9,88 % hộ nghèo, 5,22% hộ cận nghèo, trên 2,7 triệu đối tượng từ 5 tuổi trở lên hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hằng năm, khoảng 234 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, hơn 200 nghìn người nghiện ma tuý, khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình; ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.    
 
 Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại hội thảo. 
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2010 phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020 (Đề án 32). Tuy nhiên, đến nay nhận thấy khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh; đặc biệt là việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể trong một số Bộ luật, luật liên quan; các nội dung về CTXH chưa được luật hóa. 
Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa chuyên nghiệp; đa số được đào tạo từ các ngành nghề khác hoặc thậm chí một số không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. 
Trong khi đó, việc đào tạo CTXH tại các trường đại học, cao đẳng mới chú trọng đến số lượng, chưa gắn lý thuyết với thực hành. Các dịch vụ CTXH chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng và người dân có nhu cầu…
 Ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội trình bày thực trạng phát triển nghề CTXH tại Việt Nam. 
Tại Hội thảo, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ LĐTB&XH cho rằng, tới thời điểm này, chúng ta nhận thấy cần thiết phải có luật công tác xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế và xu thế hòa nhập, hội nhập khu vực và quốc tế. Xét về góc độ pháp lý, quy định rõ ràng nhất về nghề CTXH hiện nay mới ở cấp thông tư của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ cũng mới quy định chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm của nhân viên CTXH. Còn văn bản pháp lý cao nhất hiện nay vẫn là quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH được ban hành năm 2010. Nhưng chỉ là quyết định cá biệt, còn cần tổ chức để triển khai. Chính vì vậy, đã đến lúc, một số quan hệ xã hội trong lĩnh vực công tác xã hội cần được nâng lên và điều chỉnh bằng pháp luật để định hướng xã hội, để có tiêu chí và những người hành nghề đó có vị trí xứng đáng trong xã hội. 
 Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu tại Hội thảo 
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, từ thực tiễn kết quả hoạt động của các mô hình, cũng như xu thế hội nhập quốc tế, rất cần một khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực CTXH. Theo đó, cần luật hóa những vấn đề như mã nghề, thang bảng lương, hoạt động của nhân viên, đạo đức nghề nghiệp, chức danh, việc điều chỉnh các bên, trách nhiệm của người dân, phương thức hoạt động của cán bộ tại cộng đồng, trách nhiệm của các bộ ngành trong lĩnh vực này.
Cũng tại Hội thảo, ông Jesper Moller, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả trong việc thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH thời gian qua, trong đó có việc xây dựng các văn bản pháp lý xác định chuẩn nghề CTXH, mã nghề CTXH và thang bảng lương. Đã có trên 30 trung tâm CTXH được thành lập và hơn 30 các trường đại học, cao đẳng cung cấp đào tạo CTXH ở các cấp cử nhân, cao đẳng và trung cấp. CTXH trong ngành y tế đã phát triển thành công bằng việc đưa dịch vụ CTXH vào khoảng 30% bệnh viện cấp tỉnh trên toàn quốc. Những nỗ lực này đã tạo cơ sở quan trọng cho nghề CTXH phát triển. 
 Ông Jesper Moller, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam 
Tuy nhiên, theo ông Jesper Moller, Việt Nam vẫn thiếu một hệ thống nhân viên CTXH được đào tạo chuyên nghiệp ở địa phương, tạo ra khoảng trống lớn trong hệ thống dịch vụ chăm sóc tại cộng đồng. Chưa có luật quy định nghề CTXH, nhân viên CTXH không thể thực hiện đủ vai trò mà họ được đào tạo. Chưa có vị trí nhân viên CTXH trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế và tư pháp. Do vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp những thách thức để tiếp cận với những người yếu thế nhất trong xã hội và để hoàn thành chương trình về chăm sóc, bảo trợ và phát triển xã hội. 
Ông Jesper Moller cũng đề xuất hai kiến nghị để tăng cường khung pháp lý phát triển nghề CTXH: 
1. Theo kinh nghiệm từ các quốc gia có nghề CTXH phát triển cho thấy vai trò và chức năng của nhân viên CTXH cần phải được quy định trong luật và các văn bản pháp lý. Tương tự như vậy, một “luật khung” về nghề CTXH ở Việt Nam là rất cần thiết, không chỉ quy định vai trò và chức năng của nhân viên CTXH mà còn xác định rõ giá trị, tiêu chuẩn đạo đức, các quy định cấp phép hành nghề CTXH. 
2. Việt Nam đang có những luật chuyên ngành liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và gia đình, ở đó vai trò nhân viên CTXH là rất quan trọng và cần thiết. Bằng việc đưa vai trò, chức năng và hoạt động của nhân viên CTXH vào trong các luật chuyên ngành này, chúng ta có thể tăng cường năng lực của những người làm CTXH trong việc hỗ trợ, cung cấp dịch vụ cho tất cả những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là trẻ em. 
Về định hướng xây dựng Luật CTXH, ông Hà Đình Bốn cho rằng cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật để không trùng sang luật khác, trong đó cần xác định chủ thể người thực hành nghề CTXH là ai, làm gì, làm cho ai; đồng thơi quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhân viên CTXH, nguyên tắc nghề nghiệp. Tiếp đó phải quy định cơ quan quản lý, ai cấp chứng chỉ, ai đào tạo nhân viên CTXH, quy định đạo đức nghề nghiệp…
Được biết, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ký thành lập một nhóm nghiên cứu về đề án xây dựng Luật Công tác xã hội do một Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phụ trách; đến tháng 4/2017 Bộ sẽ đăng ký với Chính phủ trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật từ nay đến năm 2020.  
Tùng Dương