Xã hội
Đắk Nông: Quan tâm chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
01:36 PM 29/03/2024
(LĐXH) - Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song tỉnh Đắk Nông cũng đặc biệt quan tâm công tác trợ giúp xã hội, chăm lo đời sống các đối tượng bảo trợ xã hội.



Hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân trên địa bàn tỉnh
Năm 2023, trong dịp Tết Nguyên đán, tỉnh đã hỗ trợ quà Tết cho hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh với tổng số 13.987 suất quà,  tổng kinh phí thực hiện là 6.932 triệu đồng, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số 13.259 hộ, với tổng kinh phí 6.459 triệu đồng; Hỗ trợ quà tết cho đối tượng bảo trợ xã hội 728 người, kinh phí 472 triệu đồng, trong đó đối tượng đang đang nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là 501 người, với tổng kinh phí là 325 triệu đồng; Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 227 người với tổng kinh phí 147 triệu đồng. Thăm tặng Hội viên Hội Người mù tỉnh là 312 đối tượng với tổng kinh phí là 124 triệu đồng.
Trong công tác hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân, Sở Lao động - TBXH đã phối hợp chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc cấp phát gạo cho nhân  dân theo đúng thời gian quy định. Kết quả đã hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho 5.350 hộ với 22.169 khẩu, số gạo hỗ trợ là 332.535 kg; Hỗ trợ cứu đói giáp hạt năm 2023 cho 5.977 hộ với 26.704 khẩu, số gạo hỗ trợ là 400.560 kg. Thực hiện công tác chúc thọ, mừng thọ người thọ 90 tuổi, 95 tuổi, 100 tuổi, tỉnh đã tổ chức thăm, chúc thọ, tặng quà và trao Thiếp mừng thọ cho 408 công dân tròn 100 tuổi, thọ 95 tuổi, thọ 90 tuổi trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí thực hiện 389 triệu đồng.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch số 233/KH-UBND ngày 13/4/2023 của UBND tỉnh Đắk Nông về triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tính tới thời điểm hiện nay, thành phố Gia Nghĩa đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Đắk Nông mở tài khoản thanh toán và chi trả không dùng tiền mặt qua TKTT cho 404 đối tượng đang hưởng chính sách ASXH trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa.
Song song với đó, công tác xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cũng được tỉnh chú trọng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 03 Trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội (01 cơ sở công lập, 02 cơ sở ngoài công lập) và 5 cơ sở đang được các địa phương quản lý, hướng dẫn thành lập, trong đó: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông, tính đến thời điểm hiện nay đã có trụ sở mới đầy đủ điều kiện và tiêu chuẩn tiếp nhận, nuôi dưỡng, quản lý tập trung và trực tiếp chăm sóc 88 đối tượng bảo trợ xã hội. Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May Mắn, là cơ sở ngoài công lập có trụ sở đặt tại xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô. Hiện nay, Trung tâm đang quản lý, giáo dục cho 199 đối tượng bảo trợ xã hội. Trung tâm Hỗ trợ dưỡng lão và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khuyết tật Bạch Tuyết, là cơ sở ngoài công lập, hiện đang quản lý, giáo dục cho 14 đối tượng bảo trợ xã hội. Hiện tại UBND TP Gia Nghĩa là đơn vị trực tiếp quản lý, nắm bắt thông tin về cơ sở.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 05 cơ sở, trung tâm được địa phương quản lý đang nuôi dưỡng 172 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang được các địa phương quản lý, hướng dẫn thủ tục thành lập cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Đắk Nông cũng gặp một số khó khăn như: Hiện nay còn một số đối tượng chưa có căn cước công dân (già yếu, khuyết tật đặc biệt nặng nằm một chỗ, không đi lại được; tâm thần lang thang; mồ côi không có giấy tờ tùy thân) nên việc cập nhật thông tin cho đối tượng bảo trợ xã hội bị gián đoạn, dữ liệu chưa được xác thực.
Trong thời gian tới, để chăm lo tốt  hơn đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội, cùng với chính sách an sinh xã hội khác đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng bảo trợ xã hội. Tạo điều kiện, khuyến khích, huy động xã hội hóa công tác an sinh xã hội. Phát huy sự quan tâm và chăm sóc của cộng đồng, xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, tổ chức thăm, tặng quà cho người khuyết tật, người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội vào các ngày Lễ, Tết Nguyên đán theo quy định. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức và công tác viên công tác xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí năm 2024; Phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho cán bộ các cấp.
Cùng với đó, Sở Lao động - TBXH phối hợp với các cơ quan có liên quan, tham mưu UBND tỉnh phương án thành lâp Cơ sở cai nghiện ma túy tổng hợp tỉnh Đắk Nông để chủ động trong công tác cai nghiện và triển khai các loại hình cai nghiện phù hợp cho từng loại đối tượng. Quan tâm, đẩy mạnh công tác tái hòa nhập cộng đồng, ổn định đời sống cho người sau cai nghiện, nhằm trách tình trạng thất nghiệp, rơi vào tệ nạn, vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến đời sống an ninh chính trị trên địa bàn./.

Hồng Phượng