Xã hội
Đắk Lắk tập trung đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo bền vững
03:47 PM 25/09/2017
(LĐXH) - Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh Đắk Lắk, công tác giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực và đạt được nhiều kết quả đáng kích lệ.
Mô hình nuôi heo thịt góp phần giảm nghèo ở Đắk Lắk đã được địa phương nhận rộng

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh từ 20,82% cuối năm 2010 xuống còn 6,01% vào cuối năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 2,96%, từ đó đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận dân cư, đặc biệt là các hộ nghèo tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đắk Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020 chiếm tỷ lệ 19,37%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (bình quân cả nước là 9,88%), nhất là ở vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh hiện có 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, 62 xã có tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 45% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao chiếm 37,17%.

Theo đó,  mục tiêu của tỉnh Đắk Lắk đặt ra trong giai đoạn 2016 – 2020 là thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).

Mà cụ thể là: Giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh bình quân từ 2,5-3%/năm (riêng tại 03 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân từ 4-4,5%/năm), tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%-4,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo trong tỉnh đến cuối năm 2020 tăng lên 1,9 lần so với cuối năm 2015. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.

Tỉnh tập trung đâu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, thôn, buôn đặc biệt khó khăn được đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới. Trong đó,  trước hết là ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.

Ngoài ra, tỉnh cũng đặt ra chỉ tiêu phấn đấu 15-20% số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn đến năm 2020. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện, xã, thôn, buôn thuộc Chương trình phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; Từ 70% - 80% thôn, buôn có đường trục giao thông được cứng hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định, 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế;  100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. 50-60% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới, 90% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 75%-80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm. Thu nhập của các hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20-25%; bình quân hàng năm có ít nhất 15% hộ tham gia dự án thoát nghèo, thoát cận nghèo. Hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho 500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó có từ 60-70% lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu 100% cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, buôn được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng.  100% số xã thuộc phạm vi dự án có cán bộ, công chức làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động; 50% các xã có điểm thông tin, tuyên truyền cổ động ngoài trời; có 100% huyện và khoảng 50% xã được trang bị bộ phương tiện tác nghiệp tuyên truyền cổ động. 90% các hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất. Tỉnh cũng ưu tiên đối tượng của chương trình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả tỉnh. Đặc biệt ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em thuộc hộ nghèo.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh Đắk Lắk cũng đã tranh thủ các nguồn lực của Chỉnh phủ, các Bộ ngành Trung ương và ban hành một số chính sách của tỉnh trong việc tổ chức, triển khai thực hiện chương trình như: chính sách giảm nghèo chung theo Nghị quyết 80/NQ-CP, tín dụng ưu đãi nhằm tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định, để sản xuất, kinh doanh, học nghề, vay làm nhà ở... Trong đó, ưu tiên hơn đối với hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn để tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống của hộ nghèo, hạn chế gia tăng khoảng cách thu nhập. Thực hiện đơn giản về điều kiện, thủ tục hồ sơ để đối tượng thuộc diện được vay vốn dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Áp dụng linh hoạt phương thức cho vay, chủ yếu là ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở hình thành các nhóm tín dụng - tiết kiệm của các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh). Gắn với dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Dự kiến chương trình này sẽ hỗ trợ cho khoảng 250.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội. Nhu cầu cho vay khoảng 5.000.000 triệu đồng. Tổng nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội đến năm 2020 khoảng 4.759.000 triệu đồng.

                                                                                                   Hoàng Cảnh