Xã hội
Đắk Lắk: Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp đồng bào dân tộc giảm nghèo
10:15 AM 25/08/2022
(LĐXH)- Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Với nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều người dân đã đầu tư phát triển sản xuất 
Đắk Lắk là một tỉnh miền núi nằm ở Trung tâm của khu vực Tây Nguyên, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; có đường biên giới dài khoảng 73 km giáp với Vương quốc Campuchia, diện tích tự nhiên là 13.125km2, với 15 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện (trong đó có 02 huyện nghèo là M’Drắk, Ea Súp và 04 xã biên giới); có 184 xã, phường, thị trấn (152 xã, 20 phường, 12 thị trấn), 2.152 thôn, buôn, tổ dân phố (trong đó: 1.396 thôn, 531 buôn và 275 tổ dân phố); có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 49 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Khu vực I: 47 xã, Khu vực II: 02 xã). Dân số hơn 1,9 triệu người với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số hơn 667 nghìn người, chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh, phân bổ rải rác ở đều khắp 184/184 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Ngoài các dân tộc thiểu số đã cư trú lâu đời như Ê đê, Mnông, Gia Rai, còn có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác di cư tới lập nghiệp và không ngừng gia tăng về số lượng qua các năm như Nùng, Tày, Mông...
Đến cuối năm 2021, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk có tỷ lệ hộ nghèo là 12,79%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,69% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 26,73% với 41.492 hộ nghèo).
Đồng vốn tín dụng đã góp phần tạo thêm nghề mới, khôi phục các làng nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã quan tâm triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, một trong những đối tượng quan trọng được quan tâm đặc biệt là hộ đồng bào DTTS, như: Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg. Đặc biệt, ngày 26/04/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã góp phần đưa chính sách vào cuộc sống để các đối tượng chính sách có thêm kênh tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.
Trong quá trình thực hiện thời gian qua, UBND tỉnh luôn bám sát và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của NHCSXH tỉnh, công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, các tổ chức chính trị - xã hội cho vay ủy thác xây dựng được mạng lưới Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là “cánh tay nối dài” cho NHCSXH. Đến ngày 30/4/2022, trên địa bàn tỉnh có 4.093 Tổ TK&VV tại các thôn, buôn. Thông qua mạng lưới Tổ TK&VV và tổ chức giao dịch tại 184/184 xã, phường, NHCSXH đã đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn. Hoạt động của các Tổ TK&VV, các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần cùng NHCSXH quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng chính sách từ khâu bình xét, sử dụng vốn đến khâu trả nợ, trả lãi. Vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và góp phần ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang quản lý 15 Chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ, tổng dư nợ đạt 5.863 tỷ đồng, với gần 160 ngàn khách hàng đang còn dư nợ. Có trên 70 ngàn khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 2.147 tỷ đồng, chiếm 36,6%/tổng dư nợ của toàn chi nhánh, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 31 triệu đồng.    
Riêng các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào DTTS theo các Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg; Quyết định số 755/QĐ-TTg và Quyết định số 2085/QĐ-TTg: Doanh số cho vay giai đoạn 2011-2020 đạt 74,2 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 46,6 tỷ đồng, với 2.083 hộ đang dư nợ và hơn 5.000 nghìn lượt hộ vay vốn. Số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hàng năm giảm mạnh, hoàn thành Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra; giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm xuống còn 7,91%, giảm 11,46% so với cuối năm 2015, đạt bình quân 2,29%/năm. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 17,40%, bình quân giảm 3,95%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm còn 27,67%, bình quân giảm 5,59%/năm.
Nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH đã đến tận tay các hộ vay hộ DTTS nghèo, đời sống khó khăn ở các buôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đã tạo điều kiện cho bà con DTTS có tiền để đầu tư sản xuất, chăn nuôi tạo ra sản phẩm nâng cao đời sống, giải quyết việc làm, có tiền cho con cái học tập, có chuyên môn nghiệp vụ làm việc tại các cơ quan Nhà nước, từ đó đồng bào DTTS luôn tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không còn nghe theo sự xúi giục của các thế lực thù địch.
Có thể khẳng định rằng: Các chương trình cho vay tín dụng chính sách từ NHCSXH đã đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; giúp cho đời sống của đồng bào bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội và dần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đồng bào DTTS đã làm quen với việc vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ sản xuất, chăn nuôi và quản lý vốn. Thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách đã tác động làm chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số khó khăn, tồn tại như: Hộ đồng bào DTTS chủ yếu sống tại nơi có địa hình phức tạp, vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại gặp khó khăn, diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp, phân bố phân tán nên rất khó cho tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung chuyên canh để tạo ra sản phẩm hàng hóa trên quy mô lớn, chủ yếu lao động giản đơn trong sản xuất nông nghiệp, nên trực tiếp hay bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và diễn biến dịch bệnh xảy ra ngày càng phức tạp. Sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ nên lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ, từ đó làm hạn chế hiệu quả đồng vốn tín dung chính sách.
 Việc xác nhận đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng tại cấp xã đôi lúc còn gặp khó khăn và thiếu kịp thời: Nhiều hộ nghèo mới phát sinh do hộ tái nghèo; hộ mới tách ở riêng hoặc bị ốm đau, tai nạn đột xuất... nhưng không được bổ sung kịp thời vào danh sách để vay vốn, phải chờ đến thời điểm điều tra theo quy định. Hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư,… với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH chưa cao, chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là khu vực đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Hộ vay vốn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có để trồng trọt và chăn nuôi gia súc nên hiệu quả vốn tín dụng còn thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó khăn trong việc thoát nghèo.
Để việc cho vay các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn nữa, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách, thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn. Trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Ưu tiên hỗ trợ hỗ trợ vốn cho đồng bào dân tộc hiểu số, đồng bào ở các vùng khó khăn. Đảm bảo 100% người nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác khi có nhu cầu và có đủ điều kiện đều được tiếp tận với các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Việc bình xét cho vay phải đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng vốn vay, có phương án sử dụng vốn vay rõ ràng để đảm bảo nguồn vốn vay đầu tư vào đất sản xuất, chăn nuôi khi có hướng dẫn cụ thể về khoa học, kỹ thuật, hạn chế các rủi ro từ đó giảm thiểu rủi ro nguồn vốn cho vay. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc thực hiện chương trình tín dụng chính sách nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống cho hộ đồng bào DTTS, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ đồng bào làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
Đỗ Thị Phượng