Xã hội
Đà Nẵng xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp gắn với phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho người có công
04:01 PM 28/09/2020
(LĐXH)- Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ điều dưỡng chăm lo đời sống người có công, xây dựng môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, Trung tâm Điều dưỡng Người có công thành phố Đà Nẵng còn gắn hoạt động này với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đà Nẵng là mảnh đất anh hùng kiên trung bất khuất trong lịch sử chiến tranh cách mạng, được trao tặng tám chữ vàng "Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ". Bởi thực tế, trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, Đà Nẵng luôn là chiến trường ác liệt nên sự hy sinh, mất mát của quân và dân thành phố là vô cùng to lớn. Toàn thành phố Đà Nẵng hiện nay có hơn 93.000 lượt đối tượng được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng. Trong đó có 15.500 liệt sĩ với hơn 27.000 thân nhân; 9.400 thương, bệnh binh; 619 Cán bộ tham gia hoạt động cách mạng trước tháng Tám năm 1945; 18.864 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần; 6.779 người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; 3.932 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày; 2.100 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 7.805 con liệt sĩ, thương, bệnh binh được hưởng chính sách ưu đãi giáo dục - đào tạo... Hiện nay có gần 18.600 lượt đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên, kinh phí chi trả hàng năm hơn 230 tỷ đồng.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm chuẩn bị bữa ăn cho người có công đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Chiến tranh qua đi, đất nước hòa bình nhưng những đau thương mất mát thì không có gì bù đắp được. Hàng chục ngàn gia đình đã có những người con đi mãi không về; nhiều anh chị đã bỏ một phần thân thể, xương máu ngoài chiến trường; nhiều người cha, người mẹ đã cống hiến những người con thân yêu cho Tổ quốc, đến khi tuổi già không còn nơi nương tựa.
“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Đó là đạo lý, truyền thống văn hóa từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam. Trên tinh thần đó, Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng đã được thành lập vào ngày 1/5/1985 trực thuộc Ty Thương binh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng với tên gọi Trại nuôi dưỡng người có công cách mạng gồm có 11 cán bộ công nhân viên, phụng dưỡng 25 cụ từ trại thương binh nặng Hội An chuyển về.
Để phù hợp với nhiệm vụ và ý nghĩa của công tác phụng dưỡng, ngày 15/9/1994, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đổi tên Trại nuôi dưỡng người có công cách mạng thành Trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng. Đến ngày 1/1/1997, thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, UBND thành phố đổi tên Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng. Lúc bấy giờ có 22 cán bộ công nhân viên và phụng dưỡng 52 cụ. Đến nay trung tâm có 24 cán bộ công nhân viên và đang phụng dưỡng 56 cụ, trong đó có 01 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 02 lão thành cách mạng, 01 cán bộ tiền khởi nghĩa, 19 thương bệnh binh, 33 thân nhân gia đình liệt sĩ, có công cách mạng. Ngoài ra, Trung tâm còn đảm nhận nhiệm vụ điều dưỡng luân phiên người có công cách mạng mỗi đợt có 40 - 50 người, hàng năm gần 1.000 người đến điều dưỡng.
Bữa ăn của người có công luôn đảm bảo khoảng cách để phòng chống dịch bệnh Covid-19
Từ cơ sở ban đầu có diện tích nhà sử dụng xấp xỉ 600 m2, năm  1999 tiếp tục mở rộng thêm một dãy nhà 6 phòng hơn 160 m2. Đến năm 2013, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thống nhất xây mới lại toàn bộ Trung tâm, gồm 2 khu nhà 2 tầng, diện tích sử dụng 2.500 m2, để phụng dưỡng các cụ và điều dưỡng luân phiên. Chế độ chăm sóc ngày càng được nâng lên, từ việc trước đây các cụ tự dùng phụ cấp người có công của mình để chi cho bữa ăn, đến nay thành phố hỗ trợ 800.000 đồng/1 người/1tháng và bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 là 1.200.000 đồng/người/tháng. Theo Nghị quyết số 245/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 của HĐND thành phố, Đà Nẵng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe với mức 1,5 triệu đồng/tháng cho cán bộ lão thành cách mạng và bà mẹ Việt Nam anh hùng và mức 1 triệu đồng/tháng cho cán bộ tiền khởi nghĩa, thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên. Ngoài ra, các dụng cụ sinh hoạt cá nhân, chế độ thuốc men của các cụ được cung cấp đầy đủ, đảm bảo chất lượng. Điều kiện cơ sở vật chất dần hoàn thiện và chế độ chăm sóc được chú trọng đã góp phần giúp đơn vị thực hiện nhiệm vụ phục vụ, phụng dưỡng các cụ ngày càng chu đáo hơn.
Gần 20 năm gắn bó với Trung tâm, ngày nào cũng vậy, các chị Nguyễn Thị Lý, Phạm Thị Danh, Đặng Thị Hồng, nhân viên Phòng Chăm sóc sức khỏe, vẫn thực hiện những công việc giống nhau: dọn dẹp, giúp các cụ già ăn uống, vệ sinh, chăm sóc các cụ thường xuyên đau ốm. Trong tổng số 56 cụ đang được phụng dưỡng tại Trung tâm, có hơn 30 cụ sức khỏe yếu, cần được chăm sóc.
Không chỉ chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, tắm rửa thường xuyên cho các cụ, các chị còn thường xuyên chuyện trò, tâm sự để các cụ không cảm thấy buồn khi không có người thân bên cạnh. Chị Đặng Thị Hồng, nhân viên phòng chăm sóc sức khỏe cho biết, chị xem các cụ như ba mẹ mình. “Hiểu rằng các cụ đã phải chịu nhiều mất mát hy sinh trong chiến tranh nên mình và đồng nghiệp cố gắng bù đắp phần nào, chỉ mong các cụ sống thọ” - chị Đặng Thị Hồng tâm sự.
Nhân viên Trung tâm chăm sóc tận nơi đối những những người có công già yếu
Ngoài chăm sóc hai cụ nằm viện chạy thận nhân tạo thường xuyên tại Bệnh viện C, các chị còn cận kề bên gường bệnh mỗi khi các cụ khác ốm phải nằm viện. Có lúc gần 10 người nằm viện, các cán bộ, nhân viên trong phòng chăm sóc sức khỏe tất bật lo cho các cụ để các cụ mau chóng khỏi bệnh. Từ việc đổ bô, lau rửa… đến phục vụ đồ ăn cho các cụ, các chị đều không ngại.
Bà Trương Thị Ngự (84 tuổi, thương binh hạng 3/4) đã xem Trung tâm như mái nhà thứ hai của mình nhiều năm nay. Bà Ngự nói: “Thương tụi nó lắm, lo lắng chăm sóc cho mình những khi đau ốm còn hơn cả con đẻ. Ở đây rất vui và yên tâm vì lúc nào cũng có cán bộ trực 24/24 giờ, mình cần gì là có người đến ngay”.
Trong thời điểm Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới nói chung, Ban Giám đốc Trung tâm đã huy động mọi nguồn lực từ các bộ phận, quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nhiều hoạt động như phun thuốc khử trùng, đo thân nhiệt hằng ngày, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, nâng cao dinh dưỡng bổ sung các vitamin, tăng cường công tác vật lý trị liệu để tăng sức đề kháng… cho các cụ.
Bà Phạm Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm Phụng dưỡng người có công thành phố Đà Nẵng, cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động như: người có công với cách mạng tại Trung tâm giao lưu với người có công với cách mạng Trung tâm Nuôi dưỡng, Điều dưỡng người có công Quảng Nam; tổ chức đêm văn nghệ với chủ đề “Về thăm Mẹ” phục vụ người có công; xây dựng góc thư giãn cho người có công với cách mạng của Trung tâm, tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Tiếp bước cùng cha anh”, tổ chức cho người có công sinh hoạt giao lưu với sinh viên Đội Công tác xã hội Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng với chủ đề “Có một miền ký ức mãi xanh”...
Em Hồ Thị Hà (sinh năm 2000 ở Hiệp Đức, Quảng Nam), sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cho biết: Hàng tuần, các thành viên đội công tác xã hội thuộc của nhà trường lại đến Trung tâm Phụng dưỡng người có công thành phố Đà Nẵng dọn dẹp vệ sinh khuôn viên Trung tâm và giao lưu văn nghệ. Việc làm này tuy nhỏ, song với chúng em đó là tình cảm, giáo dục thế hệ trẻ tri ân đến những người đã cống hiến hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Đặc biệt, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo phụng dưỡng và điều dưỡng người có công, Trung tâm còn quan tâm tạo môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Hàng năm, Trung tâm đều trồng thêm cây xanh để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, thoáng mát. Công tác thu gom rác thải, xử lý vệ sinh môi trường cũng được Trung tâm thực hiện với quy trình chặt chẽ, việc dọn vệ sinh được triển khai hàng ngày từ các phòng ở của các thương, bệnh binh nặng cho đến các khu chức năng, sân vườn của Trung tâm. Trong thời điểm diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhất là làn sóng Covid-19 lần thứ hai mà Đà Nẵng được coi là tâm dịch, Trung tâm quan tâm hơn đến việc xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp gắn với công tác phòng chống dịch bệnh.
Các bạn sinh viên tình nguyện đến dọn dẹp vệ sinh khuôn viên Trung tâm 
Giám đốc Trung tâm Phạm Thị Oanh, trao đổi: Với tinh thần cảnh giác cao độ, Trung tâm đã ban hành ngay kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đề phòng nguy cơ lây lan tại đơn vị và địa bàn lân cận. Bởi lẽ, các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm là những người già mắc bệnh mãn tính lại nhiều bệnh nền, có sức đề kháng yếu, nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho các cụ và toàn thể cán bộ nhân viên, Trung tâm đã huy động tối đa lực lượng, tập trung nguồn lực ưu tiên cho vấn đề phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc các giải pháp ngăn chặn, xây dựng kịch bản xử lý, khống chế, không để xảy ra nguy lây lan; thực hiện những biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực nhà ở đối tượng, nơi làm việc của cán bộ, vệ sinh phòng ở, phòng ăn và toàn bộ khuôn viên cơ quan sạch sẽ.
Chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, thậm chí thức trắng đêm bên giường bệnh mỗi khi các cụ ốm đau là công việc hằng ngày của các cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng. Với họ, đó không chỉ là trách nhiệm, tình yêu thương mà còn thể hiện sự biết ơn đối với những người đã hy sinh xương máu và cả tuổi xuân của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay.
Theo đánh giá của ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH thành phố Đà Nẵng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các cấp, các ngành có liên quan đã quan tâm sâu sắc, đúng mức đến công tác chăm lo, phụng dưỡng các đối tượng người có công với cách mạng. Tiếp nối truyền thống kiên cường bất khuất, yêu nước chống ngoại xâm và xây dựng phát triển Đà Nẵng giàu mạnh như hôm nay, thành phố đã và đang lan tỏa mạnh mẽ phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" trong nhân dân cũng như các tầng lớp xã hội.

Chí Tâm