Xã hội
Công tác xã hội ngành y, sự cần thiết tiếp lửa cho những người có hoàn cảnh khó khăn
03:30 PM 04/03/2023
(LĐXH) - Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng khung pháp luật và chính sách, đào tạo và cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cấp cơ sở cho trẻ em và gia đình ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả bệnh viện và cơ sở y tế trên cơ sở mở rộng hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội.

Hoạt động CTXH tại bệnh viện đã có từ lâu, nhưng Tổ CTXH tại bệnh viện chính thức đi vào hoạt động chuyên nghiệp từ khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 43/2015/TT-BYT quy định nhiệm vụ CTXH của bệnh viện. Bằng nhiều hoạt động thiết thực Tổ/Phòng CTXH phát huy vai trò, mang lại tín hiệu tích cực trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên ngành Y, hướng tới sự hài lòng của người bệnh với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện "y tế - tâm lý - xã hội", từng bước xây dựng, cải thiện và duy trì các mối quan hệ tích cực giữa nhân viên y tế với người bệnh và người nhà người bệnh nhằm nâng cao sự hài lòng và chất lượng khám chữa bệnh trong bệnh viện

Tổ CTXH và người nhà bệnh nhân cùng chia sẻ trong dịp kỷ niệm Ngày CTXH Việt Nam

Ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Ninh Thuận, việc đón tiếp, cung cấp thông tin, hỗ trợ khẩn cấp cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn... là những hoạt động thiết thực mà Tổ Công tác xã hội đã thực hiện trong thời gian qua, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tại Bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tổ CTXH của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi hiện có 11 cán bộ ở tất cả các khoa, phòng chức năng, mỗi ngày, Tổ CTXH luôn phối hợp chặt chẽ với các khoa khám, điều trị để kịp thời hỗ trợ việc tiếp đón và hướng dẫn bệnh nhân khi đến khám bệnh. Trực tiếp tư vấn các chính sách, dịch vụ kỹ thuật mới cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân một cách kịp thời giúp người bệnh có sự lựa chọn phù hợp, tránh phát sinh những chi phí không cần thiết. Cùng với đó các thành viên trong Tổ hỗ trợ tư vấn cho bệnh nhân về quyền, lợi ích hợp pháp cũng như các nghĩa vụ của bệnh nhân điều trị nội trú như: Bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội, cung cấp thông tin tư vấn, tham vấn cho bệnh nhân... Không chỉ là kết nối yêu thương trong việc hỗ trợ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn về tinh thần và vật chất, Tổ CTXH còn là cầu nối tạo dựng sự hài hòa giữa các mối quan hệ trong bệnh viện, hỗ trợ các nhân viên y tế giải quyết các vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và khám, chữa bệnh, từ đó đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Mô hình “Bếp ăn nhân đạo” tại bệnh viện được duy trì khá hiệu quả, đã phàn nào san sẻ khó khăn của bệnh nhân và người nhà của họ

Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau hơn 8 năm hoạt động, Tổ CTXH được coi là “điểm tựa”, nhằm san sẻ bớt gánh nặng với những bệnh nhân nghèo, giúp họ ấm lòng lúc khó khăn, hoạn nạn cũng như yên tâm hơn trong quá trình điều trị bệnh. Mỗi cán bộ ở đây đang giữ trách nhiệm giải quyết các mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tổ CTXH đã tiếp nhận và hỗ trợ viện phí, chi phí điều trị, sinh hoạt, chi phí chuyển viện cho hàng trăm bệnh nhân; Tiếp nhận, điều phối 200 đầu sách, truyện tranh Ehon và 2 kệ sách để xây dựng thư viện mini phục vụ cho các bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Nhi của bệnh viện. Các hoạt động thiết thực của Tổ CTXH đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mang đến sự hài lòng từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…

Trên thực tế, mặc dù vai trò của CTXH là vô cùng quan trọng trong quản lý và điều trị bệnh nhân ở cả trong bệnh viện hay ngoài cộng đồng, việc áp dụng mô hình CTXH tại hệ thống bệnh viện ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ và vẫn còn những khó khăn nhất định, nhất là ở các địa phương còn nhiều khó khăn như Ninh Thuận. Các hoạt động CTXH tại các bệnh viện vẫn chỉ được tiến hành ở những giải pháp có tính chất khách quan, bên ngoài nhằm kêu gọi giúp đỡ cho bệnh nhân từ các tổ chức xã hội song lại chưa có sự chủ động hợp tác giữa cán bộ xã hội và cán bộ y tế trong bệnh viện để cùng nhau nâng chất lượng khám chữa bệnh lên cao. Đây chính là các vấn đề thuộc về chính sách, trước hết, chúng ta cần xây dựng luật về CTXH từ đó công nhận vai trò và chức năng của nhân viên CTXH trong từng lĩnh vực khác nhau như y tế, phúc lợi, tư pháp và giáo dục; việc quy định rõ hơn về nhiệm vụ chức năng của nhân viên CTXH, các nguyên tắc và giá trị của nghề nghiệp cũng cần dựa trên một khung pháp lý mạnh mẽ hơn…

Sự san sẻ, kết nối của những người hoạt động CTXH với các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Một trong những nhiệm vụ trong Chương trình Phát triển CTXH giai đoạn 2021- 2030 ở Ninh Thuận có đề ra là thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH trong các ngành, lĩnh vực và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân được phép thành lập theo hướng thực hiện trợ giúp toàn diện, bền vững. Hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho tối thiểu 01 cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đạt tiêu chuẩn quy định; bảo đảm có các phân khu chức năng, các hạng mục công trình đáp ứng hoạt động cung cấp dịch vụ và tổ chức nhân rộng các mô hình cung cấp dịch vụ tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, hệ thống tư pháp, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, ngôi nhà tạm lánh, mô hình nuôi con nuôi, mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn và mô hình cung cấp dịch vụ CTXH toàn diện, hỗ trợ sinh kế cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng các mô hình các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đầu tư, nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH.

Trên tinh thần đó, việc tăng cường các hoạt động CTXH trong ngành y tế, tại các bệnh viện theo chiều sâu sẽ cơ sở quan trọng để CTXH trong ngành y tế tại Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tiếp cận với chuẩn quốc tế, góp phần thúc đẩy các chính sách an sinh xã hội ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản người dân./.

Đăng Doanh

 

Từ khóa: CTXH Ninh THuận bao