Xã hội
Cảnh giác với những âm mưu lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước.
10:55 AM 27/10/2021
(LĐXH) - Tôn giáo là một trong những vấn đề nhạy cảm, luôn gắn liền với nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Nhằm tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tiến tới thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giải quyết vấn đề tôn giáo có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị an ninh quốc phòng...
Đảng ta luôn quan tâm đặc biệt đến đời sống đồng bào tôn giáo, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trải qua các thời kỳ cách mạng của dân tộc, tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương nhất quán của Đảng, được Nhà nước thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật. Điều 24, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”… Quan trọng hơn, hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Việt Nam đã đi vào cuộc sống và được các giáo hội, tu sĩ, chức sắc và tín đồ tôn giáo hết sức hoan nghênh, đồng tình.
Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng , tôn giáo của người dân
Quyền tự do tôn giáo là vấn đề gắn với thể chế chính trị-xã hội và điều kiện kinh tế-văn hóa-xã hội ở từng quốc gia cụ thể, không thể tồn tại một khái niệm quyền tự do tôn giáo chung chung, trừu tượng. Cũng không thể đem giá trị, quan niệm về tự do tôn giáo ở một quốc gia này để áp dụng, đo lường hoặc đánh giá mức độ quyền tự do tôn giáo ở một quốc gia khác. Trên phương diện đối ngoại giữa các quốc gia, không thể đem tiêu chuẩn về tự do tôn giáo ở quốc gia này để áp đặt lên một quốc gia khác và buộc các quốc gia khác phải tuân theo.
Sự hình thành của các tổ chức tôn giáo đã phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam Việt việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, và khẳng định với thế giới Việt Nam không phân biệt đối xử giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào, dù là nội sinh hay truyền từ nước ngoài, tôn giáo đã ổn định hay mới được công nhận, miễn sao hoạt động của họ nằm trong khuôn khổ pháp luật. Những tín đồ cũng thừa nhận rằng, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Nhà nước Việt Nam là đúng đắn, phù hợp, không có cản trở nào trong các hoạt động và sinh hoạt tôn giáo của họ.
Với thủ đoạn lợi dụng “đấu tranh tự do, dân chủ” của các thế lực thù địch, chúng luôn xuyên tạc, công kích về đường lối của Đảng và Nhà nước ta nhằm lặt đổ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Từ đó, gây mâu thuẫn trong nhân dân và giáo dân tiến hành các hoạt động gây rối trật tự, chống đối người thi hành công vụ, vi phạm pháp luật.
Rõ ràng, việc lợi dụng tôn giáo cho các hoạt động chính trị, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết thì không một quốc gia nào chấp nhận, chứ không chỉ ở Việt Nam. Vì vậy, việc hối thúc chính phủ Việt Nam “cấp phép cho tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do”, kể cả các nhóm tôn giáo có hoạt động chống phá là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đặc biệt là biểu hiện: “Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước” cũng như sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực này cần thực hiện tốt các giải pháp như:
Cần tuân thủ những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc như: Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên nền tảng khối liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện đại đoàn kết phải rộng rãi, lâu dài; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội…
Đặc biệt là không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo sức đề kháng trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và chống mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ trên lĩnh vực dân tộc tôn giáo.
Tiếp đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người nhẹ dạ, cả tin, bị mua chuộc, bị lôi kéo; phân hóa, cô lập kẻ cầm đầu, cực đoan; phát huy sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện kịp thời và đấu tranh hiệu quả với hoạt động phá hoại của các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Bên cạnh đó, phải kịp thời vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ dân tộc, chống phá nhà nước.
 Lê Minh.