Giáo dục - Nghề nghiệp
Cần quy định cụ thể, công khai các khoản thu đầu năm học
02:35 PM 12/09/2016
Mỗi khi vào năm học mới, bên cạnh sự háo hức, chờ đợi của các em học sinh khi được trở lại trường sau thời gian dài nghỉ hè là nỗi băn khoăn, lo lắng của các bậc phụ huynh về những khoản đóng góp đầu năm.
Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Kim Trung (Kim Sơn). Ảnh: Minh Quang
Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Kim Trung (Kim Sơn). Ảnh: Minh Quang
Ngoài các khoản bắt buộc phải mua, phải đóng như mua sách vở, đồ dùng học tập, tiền học phí, bảo hiểm y tế, bảo việt, tiền ăn, tiền bán trú, tiền quỹ lớp... còn có các khoản tiền khác như xây dựng, đồng phục, vệ sinh, điện nước, điều hòa, chăm sóc cây cảnh, đồ dùng bán trú..., trong đó có nhiều khoản không có biên lai hoặc phiếu thu của nhà trường.
Bước vào năm học mới 2016-2017, mặc dù đã vào học chính thức được gần 1 tháng và ngày khai giảng năm học mới cũng đã diễn ra nhưng ở hầu hết các cơ sở giáo dục chưa có nhiều khoản đóng góp. Tìm hiểu được biết, các nhà trường cùng với việc chờ hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý giáo dục còn tổ chức họp Ban giám hiệu, Hội cha mẹ học sinh và tính toán cụ thể các khoản đóng góp nhằm không chỉ đảm bảo các khoản thu theo đúng quy định của Nhà nước mà còn huy động được sự đóng góp đồng thuận và hiệu quả của phụ huynh nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho con em mình.
Chị Lê Thị Thu Thảo, phụ huynh một học sinh trường mầm non trên địa bàn thành phố Ninh Bình cho biết: Như mọi năm, ngay vào thời điểm nhập học lần đầu sau thời gian nghỉ hè, đến đăng ký lớp mới cho con, chị đã phải nộp khoản tiền gần 3 triệu đồng, bao gồm tiền xây dựng, học phí, bảo hiểm, đồng phục, bán trú, xã hội hóa, chăm sóc cây, vệ sinh trường lớp… Nhưng năm nay, ngoài tiền ăn, phục vụ bán trú, mới chỉ phải đóng khoản học phí, bảo hiểm thân thể… chưa đến 1 triệu đồng, các khoản đóng góp khác được thông báo sẽ đóng sau ngày họp phụ huynh đầu năm học. “Tôi hy vọng, tất cả các khoản phí phải đóng góp đều hợp lý, phù hợp, không quá cao so với mặt bằng chung của đại đa số phụ huynh và quan trọng hơn là tất cả đều phải nhằm phục vụ cho việc giảng dạy và chăm sóc các cháu một cách tốt nhất”- chị Thảo chia sẻ.
Ngày 18/8/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 837 gửi phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở, hướng dẫn thực hiện thu, chi, quản lý và sử dụng các khoản thu trong trường học năm học 2016-2017. Theo đó, công văn nêu rõ các khoản thu theo quy định của tỉnh đối với mức học phí học tập, học phí học nghề phổ thông, các khoản thu dạy thêm, học thêm trong nhà trường ở tất cả các cấp học và các khoản thu khác như bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, quỹ Đoàn, Đội, các khoản thu phục vụ học sinh như quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu học sinh.
Đối với những khoản đóng góp thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh như: Tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, đồ dùng cá nhân (đối với học sinh bán trú), tiền điện, nước uống, vệ sinh… yêu cầu nhà trường phải xây dựng kế hoạch công việc, lập dự toán thu, chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù đắp các chi phí và phải thỏa thuận, thống nhất với cha mẹ học sinh về chủ trương, mức thu, nội dung chi (bằng văn bản) tại các cuộc họp với cha mẹ học sinh. Chỉ thực hiện thu các khoản này khi đã được sự đồng thuận, nhất trí của cha mẹ học sinh. Các khoản thu, chi này phải quyết toán minh bạch và thông báo công khai với cha mẹ học sinh.
Đặc biệt, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ, trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ các nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học của các trường thì một trong những giải pháp để tăng nguồn lực cho các hoạt động, đó là các trường thực hiện xã hội hóa huy động nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, giải pháp này phải được ủng hộ, nhất trí trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc hay quy định mức đóng góp bình quân hóa đối với các tổ chức cá nhân và cha mẹ học sinh. Các khoản huy động cần tuân thủ nguyên tắc: thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, được hạch toán riêng theo từng khoản thu, không được dùng khoản thu này để điều chuyển hoặc chi cho nội dung hoặc mục đích khác. Các khoản huy động phải thông báo công khai bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh...
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường không thu tập trung các khoản thu vào đầu năm học mà chia thành nhiều đợt trong năm học, đồng thời phải phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, chú ý thực hiện miễn giảm cho các học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo để đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm về các khoản thu tại đơn vị, nếu để xảy ra tình trạng lạm thu sẽ phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng có thẩm quyền, trước pháp luật và bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.
Theo Báo Ninh Bình