Lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về nhân lực
09:38 PM 22/04/2023
(LĐXH)- Đây là một trong những ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đạo Ngọc Dung tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì được tổ chức ngày 22/4.
Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Lao động - TBXH, Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; 180 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hội nghị còn được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh cùng các sở, ngành liên quan; 37 điểm cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam…
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nêu rõ: Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt qua dự báo, tác động tới tình hình kinh tế Việt Nam, gây ra những khó khăn cần tháo gỡ, những thách thức cần vượt qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị
Chính phủ Việt Nam mong muốn được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiếu, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư tại Việt Nam cũng đã cảm nhận được những chia sẻ, thấu hiếu, đồng hành và sự nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong quá trình chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực liên quan đến đầu tư nước ngoài và tiếp tục rà soát thể chế, pháp luật, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,  hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân…
“Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác” - Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Đối với vấn đề các nhà đầu tư quan tâm liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân lực, bên cạnh những yếu tố như thể chế, các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam luôn được tạo điều kiện tối đa và gặp khá nhiều thuận lợi, trong đó 2 vấn đề là hạ tầng và nhân lực trong quá trình làm việc.
Báo cáo với các nhà đầu tư, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Riêng về nhân lực, đến nay, quy mô dân số của Việt Nam hiện là 100 triệu dân, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đến nay là 51,7 triệu người. Trong đó, lực lượng tham gia trực tiếp đạt tỷ lệ 68,5,%, tỷ lệ thiếu việc làm thông thường ở trong độ tuổi đến cuối năm 2022 là 2,21%, tỷ lệ thất nghiệp trung bình là khoảng 2,2%; lực lượng thanh niên thất nghiệp khoảng 7,72%. Nhìn tổng quan, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhưng với tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên 7,72% chúng ta phải nhìn ở góc độ đây là lực lượng dự trữ lao động tốt. Như vậy có thể thấy, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào và tiềm năng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Vấn đề thứ 2, Việt Nam đang điều chỉnh theo hướng giữ được quy mô dân số trẻ, dân số vàng như hiện nay. Mặc dù Việt Nam không còn ở đỉnh cao dân số vàng, nhưng đang ở giai đoạn dân số vàng và để chủ động khắc phục sớm tình trạng già hóa dân số, Việt Nam đã và đang đi 4 bước rất cơ bản, để khắc phục tình trạng dân số già như một số quốc gia đang gặp phải.
Tiếp đến, Việt Nam sẽ  tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về nhân lực. Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.
Đặc biệt, về đào tạo nguồn nhân lực và đối với chính sách xã hội trong giai đoạn tới, định hướng đến năm 2030 tầm nhìn 2045, Việt Nam sẽ hoạch định 3 vấn đề có tính chất đột phá trong phát triển chính sách xã hội.
Thứ nhất, là phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững và đổi mới, trong đó xác định việc làm bền vững và sinh kế cho người dân, phát triển nguồn nhân lực là một trọng tâm.
Thứ hai là tập trung xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, dột nát cho người dân và trong đó đến năm 2030 phấn đầu đầu tư xây dựng 01 triệu căn hộ xã hội cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp,
Thứ ba, là sẽ xây dựng một lưới an sinh, trong đó tập trung cho những vấn đề tối thiểu như giáo dục, y tế...
Với các nhà đầu tư, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cam kết: Việt Nam sẽ đáp ứng cơ bản các nguồn nhân lực khi các nhà đầu tư vào đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đồng hành cùng các nhà đầu tư có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tay nghề cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đến lao động có kỹ năng, tay nghề chất lượng cao.
Bên cạnh đó, sẽ tập trung sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan làm sao cho thông thoáng nhất, đặc biệt đối với Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Tại Hội nghị hôm nay, tiếp thu ý kiến của các nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quyết định cho chúng tôi tập trung sửa đổi Nghị định số 152/2020/NĐ-CP theo quy trình thủ tục rút gọn. Trong tháng 5 này, Bộ Lao động - TBXH lắng nghe ý kiến góp ý từ các nhà đầu tư, với quyết tâm trong  tháng 7/2023 sẽ sửa xong Nghị định 152/CP theo tinh thần thông thoáng nhất, trên cơ sở phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam; đồng thời, tạo điều kiện vừa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong thời gian tới…

Trần Thắng