Lao động
Bình Thuận: Tăng cường công tác quản lý lao động người nước ngoài
02:37 PM 18/06/2021
(LĐXH) – Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều biện pháp để quản lý lao động là người nước ngoài nhằm vừa đảm bảo hài hòa giữa lợi ích phát triển sản xuất và ổn định an ninh xã hội trên địa bàn.
Với nhiều chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh Bình Thuận. Do đó, số lượng lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng tăng, đặt ra thách thức cho các ngành chức năng trong công tác quản lý lao động là người nước ngoài nhằm vừa đảm bảo hài hòa giữa lợi ích phát triển sản xuất và ổn định an ninh xã hội.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh có 148 doanh nghiệp, cơ sở có sử dụng 544 lao động là người nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Philippin, Nga, Ukraina…) đã được cấp giấy phép lao động theo đúng quy định hiện hành, trong đó có: 39 nhà quản lý; 21 giám đốc điều hành; 414 chuyên gia; 70 lao động kỹ thuật.
Doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký và giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài
và phải được UBND tỉnh chấp thuận trước khi nhập cảnh.
 Việc nhập cảnh của lao động người nước ngoài được thực hiện theo Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 06/01/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy trình chấp thuận người lao động nước ngoài trước khi nhập cảnh Việt Nam đến Bình Thuận làm việc. Theo đó, người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật (gọi tắt là chuyên gia) phải chứng minh đầy đủ trình độ chuyên môn phù hợp mới được xem xét ưu tiên nhập cảnh. Doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký và giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài vào các vị trí mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và phải được UBND tỉnh chấp thuận trước khi nhập cảnh.
Để quản lý hiệu quả người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, Năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phân rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp, tổ chức, nhà thầu, hộ kinh doanh, cá nhân có sử dụng người lao động nước ngoài đang làm việc trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thường xuyên có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài.
Trong đó, yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam với hình thức phù hợp, thiết thực. Tiếp nhận, tổng hợp, thẩm định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài vào từng vị trí công việc trình Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận và thông báo bằng văn bản về từng vị trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng người sử dụng lao động. Việc tổ chức thẩm định phải chặt chẽ với nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài vào từng vị trí công việc mà lao động Việt Nam không đáp ứng được theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, đảm bảo sử dụng có hiệu quả lao động nước ngoài và đảm bảo việc làm cho lao động Việt Nam; chỉ cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài vào làm việc tại các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam; chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp của các cơ quan chức năng tại địa phương trong việc chia sẻ thông tin và quản lý tốt lao động nước ngoài… Các doanh nghiệp, tổ chức, nhà thầu báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng lao động nước ngoài theo quy định. Đối với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường vai trò, trách nhiệm đã được quy định tại Quy chế phối hợp quản lý lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh ban hành theo Quyết định số 32/2013/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức quán triệt các quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong phạm vi, lĩnh vực ngành, địa phương quản lý; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức, nhà thầu trên địa bàn.
 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, nhà thầu…
về những quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, nhà thầu… về những quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh; Xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Công điện số 03/CĐ-LĐTBXH ngày 14/5/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Công văn số 1583/CV-BCĐ ngày 13/5/2021 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh. Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thành lập 02 Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng lao động là người nước ngoài và thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 20 doanh nghiệp có sử dụng số lao động lớn và lao động người nước ngoài. Qua kiểm tra phát hiện có 34/311 lao động người nước ngoài chưa được cấp giấy phép lao động, vì lý do vướng hộ chiếu có in hình “đường lưỡi bò” của lao động Trung Quốc, về nước chưa qua do dịch bệnh, đang làm thủ tục hồ sơ, đang cách ly hoặc mới hoàn thành cách ly tập trung nên chưa kịp làm hồ sơ.
Để tăng cường công tác quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại tỉnh Bình Thuận, thời gian tới, với vai trò là cơ quan quản lý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục làm tốt công tác, quán triệt, tuyên truyền, tập huấn phổ biến hướng dẫn các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý lao động nước ngoài tại địa phương. Xây dựng và thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp quản lý lao động nước ngoài; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, đoàn thể, chính quyền địa phương cấp huyện và cơ sở trong việc quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật tại các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài tại địa phương. Phối hợp với các ngành liên quan kiên quyết không để sót, để lọt người nhập cảnh trái phép lao động trong cơ sở, doanh nghiệp./.
Nguyễn Thị Hiền