Xã hội
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, giảm nghèo bền vững
01:47 PM 26/10/2021
(LĐXH) Thực tiễn đặt ra yêu cầu phải chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa tộc người; xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, hấp dẫn; Quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững để du lịch nói chung và du lịch di sản vùng dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Với chủ trương xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng trong cộng đồng các DTTS Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người, Đảng và Nhà nước ta xác định, cùng với chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, việc bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược trong bảo đảm quyền văn hoá của người DTTS, góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước.
Nước ta đã có 62.283 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố được kiểm kê, 288 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó có 145/288 di sản của các DTTS – chiếm hơn 50% tổng số di sản); 05 di sản thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết... Trong giai đoạn từ 2016-2020, đã có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào DTTS được xếp hạng di tích quốc gia; có 126 di sản văn hóa phi vật thể, 276 nghệ nhân ưu tú là người DTTS .
Chính phủ đã phê duyệt các chính sách, đề án nhằm thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hoá DTTS, đặc biệt là văn hoá DTTS rất ít người. Chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS từng bước hạn chế tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi, phát triển và hình thành mới, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Việc triển khai “Dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các DTTS” vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa tạo nên mô hình hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích trên nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa tại vùng đồng bào DTTS trên cả nước.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số  ở nước ta có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng
Vùng đồng bào DTTS ở nước ta có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế so sánh trong phát triển du lịch. Hầu hết các tỉnh miền núi, vùng đồng bào các DTTS trong các cuộc kháng chiến của dân tộc là những căn cứ địa quan trọng. Ngày nay, những căn cứ địa đó trở thành hệ thống các di tích lịch sử cách mạng, như ATK Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) và ATK Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ, các di tích ở Liên khu V, Trường Sơn - Tây Nguyên...
Bên cạnh đó, vùng đồng bào DTTS còn là vùng văn hóa đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Đây là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù, như sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, người Dao, người Xa Phó, người Tày trên đỉnh núi Sa Pa (tỉnh Lào Cai)...; sản phẩm du lịch phản ánh sự thích ứng với môi trường, như những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Các loại hình canh tác trên nền đất dốc, trên ruộng bậc thang hay những thung lũng ven sông, ven suối đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm... Như vậy, tính đa dạng, phong phú của các di sản văn hóa tộc người đã tạo nên sức hút cho du lịch di sản.
Tại các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS với phát triển du lịch bền vững, giúp người dân giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương (Dân tộc Xtiêng, Chăm, Ba Na, Cơ Ho, Mnông, Ê Đê, Vân Kiều, Khơ Mú, Mường, Thái, Mông… ).
Nhờ vào hệ thống di sản văn hóa phong phú, các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên đã có khoảng hơn 170 điểm du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Điển hình như du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); du lịch cộng đồng người Hà Nhì ở xã Y Tí (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); du lịch cộng đồng người Mường ở Bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); du lịch cộng đồng người Mông ở bản Cát Cát (xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai); du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang),...
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng 
trong bảo đảm quyền văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số nước ta
Du lịch di sản đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận ở vùng đồng bào DTTS nước ta thời gian qua và tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương. Trước hết, du lịch di sản góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch. Người Dao ở các xã Tả Phìn, Tả Van, Nậm Cang,... (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã chuyển từ độc canh cây lúa sang làm du lịch. Mỗi năm, các điểm du lịch của người Dao đón hơn 4 vạn du khách, tổng nguồn thu ước đạt hơn 20 tỷ đồng. Năm 2017, thu nhập bình quân từ du lịch di sản của mỗi hộ gia đình người Dao ở Tả Phìn, Tả Van là khoảng 25 triệu - 60 triệu đồng; đến năm 2019, con số này tăng lên 50 triệu - 75 triệu đồng.
Cũng nhờ phát triển du lịch, nhiều di sản văn hóa trước đây bị mai một nay đã được phục hồi, như nghề làm thuốc của người Dao, nghề thêu dệt thổ cẩm của người Thái ở Mai Châu (tỉnh Hòa Bình),... Du lịch đã khơi dậy niềm tự hào của người dân về văn hóa truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với thế giới.
Tuy nhiên, du lịch di sản cũng có một số tác động tiêu cực đến hệ thống các di sản văn hóa. Các di sản văn hóa khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình “hàng hóa hóa” di sản. Quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, chu kỳ hoạt động của di sản, mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách. Việc tiếp nhận một cách ồ ạt một số lượng lớn khách hành hương, dẫn đến tình trạng quá tải tại điểm du lịch, gây ra những hậu quả về môi trường, nếp sống văn hóa đối với người dân địa phương. Nghiêm trọng hơn, xu hướng “thương mại hóa” đang ngày càng gia tăng ở một số quần thể di tích tâm linh, công tác quản lý di sản có nhiều bất cập; một số cá nhân lợi dụng di sản văn hóa (nhất là văn hóa tâm linh) nhằm trục lợi bất chính (hiện tượng làm chùa giả, tượng giả, hoạt động mê tín dị đoan...).
Trên thực tế, việc đảm bảo quyền văn hóa của người DTTS vẫn còn một số thách thức trong điều kiện hiện nay như: chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; bản sắc văn hóa có nguy cơ mai một, vẫn còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu,…
Bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một, nhất là ở các cộng đồng nghèo, các tộc người thiểu số rất ít người. Từ ngôn ngữ, các vật dụng trong cuộc sống hằng ngày, đến kiến trúc nhà ở, các lễ nghi trong đời sống xã hội (hôn nhân, tang ma, thờ cúng...) truyền thống của từng tộc người  còn ít được duy trì.
Để giải quyết những bất cập này, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách cho phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế cũng như đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài. Các chính sách cụ thể tập trung vào lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, ngôn ngữ dân tộc, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc. Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên cả nước. Tạo điều kiện, tạo môi trường văn hóa, không gian văn hóa phù hợp để đồng bào các dân tộc thường xuyên được giao lưu, trình diễn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch di sản là vấn đề quan trọng, đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trước tiên cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế- xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch,
Cần nâng cao hiệu quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện của bộ, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể, nhân dân, các tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống các DTTS.
Cần cân đối, bố trí ngân sách để triển khai thực hiện công tác bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS; Lồng ghép chương trình, dự án, đề án của Trung ương và các địa phương để tăng cường nguồn lực đầu tư thực hiện các Chương trình, đề án, dự án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa..; khuyến khích các chương trình, dự án gìn giữ ngôn ngữ, trang phục, lễ hội… của người DTTS, đặc biệt là đối với các DTTS rất ít người. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS. Tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội giúp cho bà con người DTTS yên tâm sinh sống, học tập, làm việc cũng như bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc mình.
Thảo Lan