Giáo dục - Nghề nghiệp
Bắc Kạn đào tạo nghề các cấp trình độ cho 31.051 lao động
11:13 AM 06/11/2020
(LĐXH)- Theo báo cáo của Sở Lao động – TBXH, trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh Bắc Kạn đã đào tạo nghề các cấp trình độ cho 31.051 lao động, trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng đạt 28.686 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động thôn đạt 10.400.
Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 1 Trường cao đẳng, 12 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, 3 trung tâm tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 3 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 20.000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết thêm 5.000 việc làm. Trong đó, khoảng 13.000 người học nghề nông nghiệp, 7.000 người học nghề phi nông nghiệp; số lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí học nghề (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) là 4.000 người/năm… Qua đó, nâng tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 75%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên trên 85% vào năm 2020, kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới mức 3,5%.
Giai đoạn 2016 - 2020, Bắc Kạn đào tạo nghề các cấp trình độ cho 31.051 lao động
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Bắc Kạn đề ra các nhiệm vụ chủ yếu và xác định rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh và đưa ra các giải pháp, cơ chế chính sách để đảm bảo thực hiện có hiệu quả như: tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (trong đó phát huy chính sách việc làm công); thông qua việc hỗ trợ vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tờ rơi, sổ tay về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngành nghề đào tạo, thông tin về thị trường lao động, việc làm, đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Đến nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Bắc Kạn đã và đang có những chuyển biến tích cực, mang tính đột phá và toàn diện, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động trong nước và quốc tế. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cải thiện, đã và đang đáp ứng nhân lực chất lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững ở địa phương. Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy hoạch, sắp xếp, kiện toàn; đồng thời chú trọng phát triển đổi ngũ nhà giáo, phương pháp giảng dạy và đặc biệt thay đổi tư duy nhận thức trong tổ chức đào tạo, tuyển sinh gắn với tuyển dụng, đào tạo với vị trí việc làm.
Tuy nhiên, qua đánh giá thì chất lượng đào tạo ở Bắc Kạn còn chưa ổn định ở từng trường và sự đồng đều giữa các trường, vẫn còn một số ngành, nghề chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, nhiều lao động phải đào tạo bổ sung sau khi tuyển dụng. Đặc biệt là một số ngành, nghề phục vụ cho các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và một số ngành, nghề đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng năng động và thay đổi nhanh chóng với trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất liên tục phát triển và xu thế của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0).
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp Bắc Kạn đã có những chuyển biến tích cực 
Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề chưa có nhiều cơ hội tìm được việc làm ổn định, nhiều học viên không tìm được việc làm phù hợp với nhu cầu cũng như đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp tại địa phương. Công tác nắm bắt thị trường lao động, dự báo nhu cầu lao động chưa được quan tâm đúng mức nên việc định hướng nghề nghiệp chưa được tốt, thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ hay đào tạo nghề theo đơn đặt hàng…
Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo, gắn đào tạo nghề nghiệp với thực tế sản xuất và đời sống. Xây dựng các chương trình, giáo trình và tài liệu giảng dạy theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, phong cách làm việc chuyên nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học, đảm bảo liên thông giữa các trình độ đào tạo. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh và trên toàn quốc để đào tạo theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo trình độ kỹ thuật cao để phục vụ công tác xuất khẩu lao động và các ngành kinh tế mũi nhọn.

Chí Tâm