Xã hội
Bắc Giang: Quan tâm, tạo điều kiện cho lao động nữ
04:42 PM 13/06/2023
(LĐXH) – Nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể trong tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều nội dung, chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống cho người lao động, trong đó có lao động nữ.
Với nhiều hoạt động hỗ trợ như: Tổ chức chương trình tiếp xúc, đối thoại của lãnh đạo tỉnh với nữ công nhân lao động, nữ đoàn viên thanh niên; tăng cường tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp; đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; tổ chức các phiên giao dịch định kỳ, điều tra, thu thập thông tin về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, về thực trạng việc làm, tình trạng thất nghiệp của người lao động để kết nối cung cầu; hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… tạo cơ hội về việc làm cho lao động nữ.  
Khám, tư vấn sức khoẻ cho nữ công nhân Công ty TNHH OneChang Vina (thành phố Bắc Giang)
Hàng năm, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh (Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ) phối hợp tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền hướng dẫ̃n các quy định của pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chế độ chính sách của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định và có nhiều hoạt động chăm lo đời sống, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao thu nhập cho lao động nữ, như: Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thai sản; Khám sức khỏe định kỳ; Bồi dưỡng chế độ độc hại; Tổ chức tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng; Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao...
Công tác giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện. Đội ngũ cán bộ nữ được ưu tiên cử đi đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tỉnh cũng tập trung triển khai các chính sách, chương trình đào tạo nghề; đào tạo nghề cho người lao động khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ nữ, đặc biệt là lao động nữ bị mất việc làm. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tiếp cận các nguồn lực kinh tế như đất canh tác, các nguồn vốn tín dụng, thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách và cơ hội tham gia sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ được hỗ trợ giúp đỡ thoát nghèo. Năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 196 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về khởi sự kinh doanh, khởi sự hợp tác xã và phối hợp tổ chức khóa học “Phụ nữ tự tin làm kinh tế” cho 1.000 hội viên phụ nữ có ý tưởng kinh doanh (trong đó có 675 phụ nữ là người dân tộc thiểu số); Tập huấn, bồi dưỡng nghề, tư vấn việc làm, hỗ trợ ngày công, giúp đỡ 4.093 phụ nữ khuyết tật ổn định cuộc sống với tổng trị giá 10,41 tỷ đồng; các cấp hội phụ nữ nhận tín chấp, uỷ thác trên 3.248 tỷ đồng vốn từ các ngân hàng, Quỹ TYM, "Nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp", giúp 60.966 phụ nữ vay phát triển kinh tế... Năm 2022, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho khoảng 28.700 người, tạo việc làm cho 33.600 lao động, trong đó 16.900 lao động nữ; tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động là 72%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm xuống còn 2,8%. Tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 23%./.
Hưng Cảnh