Xã hội
Bắc Giang: Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới
01:38 PM 25/11/2019
(LĐXH) - Những năm qua, tỉnh Bắc Giang rất chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới và cố gắng khắc phục khó khăn, tăng cường nguồn nhân lực phục vụ công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Quang cảnh hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình
Nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới, trước hết tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thường xuyên phối hợp với báo, đài trung ương và địa phương xây dựng các chuyên mục, chuyên đề phóng sự, tin bài để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung liên quan đến công tác bình đẳng giới.Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở LĐTBXH đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền lưu động về công tác bình đẳng giới,vì sự tiến bộ phụ nữ trên các tuyến đường tập trung đông dân cư thuộc địa bàn 10/10 huyện, thành phố; Treo băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích tuyên truyền trên một số trục đường chính; Tuyên truyền trên hệ thống thông tin và truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn; Truyền thông xã hội qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội...; Sản xuất, phát hành rộng rãi các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các tài liệu tuyên truyền cho cộng đồng như tờ rơi, tờ gấp...; Phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Tạp chí Lao động và Xã hội đăng tải phóng sự và tin, bài về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới...
Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh đều triển khai các hoạt động thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm vận động toàn xã hội cùng góp sức tích cực trong thực hiện hiệu quả luật pháp, chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới và giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới; khuyến khích, kêu gọi mọi người cùng lên tiếng, cùng hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Song song đó, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới từ tỉnh đến cơ sở hàng năm đều được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ liên quan đến công tác bình đẳng giới; được trao đổi kinh nghiệm, nhằm cập nhật các thông tin mới để triển khai thực hiện tốt hơn công tác bình đẳng giới tại địa phương, đơn vị mình. Năm 2018 và 2019, Sở LĐTBXH đã tổ chức 11 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới cho gần 1 nghìn cán bộ được phân công phụ trách công tác bình đẳng giới từ cấp tỉnh đến cấp thôn; tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng quản lý lãnh đạo và các kỹ năng mềm khác cho gần 700 nữ cán bộ dân cử, nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, xã; nữ cán bộ trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; nữ cán bộ trong diện quy hoạch trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc 10/10 huyện, thành phố. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới cho khoảng 250 cán bộ nữ ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2016- 2021. Một số địa phương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác bình đẳng giới đối với cán bộ cấp xã, cấp thôn; tổ chức truyền thông, nói chuyện tư vấn với người dân để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới...
Ngoài ra, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành được kiện toàn kịp thời khi có sự thay đổi về nhân sự; đồng thời triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và hoạt động thường xuyên của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ như: tổ chức các hoạt động truyền thông, các cuộc hội thảo, tọa đàm, học tập kinh nghiệm, các lớp tập huấn nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động về công tác BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ...
Nhìn chung với việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới đã giúp cho các đơn vị, địa phương trong tỉnh Bắc Giang thực hiện tốt hơn các chính sách về bình đẳng giới, VSTBPN và đảm bảo phù hợp với phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương góp phần thực hiện tốt các mục tiêu bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội./.
Nguyễn Hiền