Lao động
Xã Dray Sáp “Điểm sáng trong công tác Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”
07:46 AM 09/11/2018
(LĐXH) - Dray Sáp là một xã thuần nông thuộc huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk), có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Êđê, Mnông, Tày, Thái, Mường, Hoa,…toàn xã có 8 thôn, buôn với tổng số hộ dân cư là 1.942 hộ.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nghề trồng nấm rơm góp phần giải quyết việc làm hiệu quả ở xã Dray Sáp ( huyện Krông Ana)

Thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian qua, xã Dray Sáp đã triển khai đồng bộ các giải pháp và phát huy được những kết quả thiết thực, góp phần thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 

Để công tác đào tạo nghề phát huy được hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã Dray Sáp đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana tổ chức các lớp đào tạo dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động, đồng thời gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, qua đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. 

Theo báo cáo từ UBND xã Dray Sáp, trong năm 2017, toàn xã có 277 hộ nghèo( chiếm tỷ lệ 14.20%), số hộ cận nghèo 289 hộ (chiếm tỷ lệ 15%), Số hộ thoát nghèo 54 hộ (chiếm tỷ lệ 23%).

 Ông Hòa Quang Trịnh – Phó chủ tịch UBND xã Dray Sáp cho biết: “Dray Sáp là  xã thuần nông, với sản xuất nông nghiệp chiếm từ 70 – 80% nhu cầu sản xuất của người dân, cùng với đó là một lượng lao động nông thôn không có việc làm chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo đề án 1956 được cấp Đảng ủy, UBND xã xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp bà con các dân tộc ở địa phương nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Để thực hiện những nhiệm vụ trên, chính quyền, nhân dân xã Dray Sáp đã thực hiện nhiều giải pháp trong đó đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: Xã chỉ đạo, điều hành, công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn và đăng ký nghề học phù hợp với điều kiện của gia đình và khả năng của từng lao động; phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho người lao động sau khi đã được học nghề. 

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được triển khai hiệu quả, nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn về vai trò, ý nghĩa của công tác đào tạo nghề đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội luôn được quan tâm. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về dạy nghề cho lao động nông thôn đã có bước chuyển biến tích cực. Các ngành, đoàn thể của xã đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia học nghề, đặc biệt là công tác chỉ đạo hội cấp dưới tham gia vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương.

Theo ông Trịnh các ngành nghề được chú trọng triển khai thực hiện tại địa phương tập trung chủ yếu vào nghề như: Trồng nấm (Hiện tại địa bàn xã có 03 cơ sở trồng nấm: Chủ yếu là các loại nấm Linh chi, nấm Bào ngư, nấm Mèo với 12-15 hộ tham gia. Mô hình trồng nấm, đã giải quyết việc làm cho trên 20 lao động cùng với  thu nhập bình quân là 3 – 5 triệu đồng/tháng).  Mô hình xây dựng lực lượng thanh niên đã mở được 03 lớp thu hút 100 lao động có tay nghề với công việc là nhận xây dựng các công trình, nhà cấp 3…; Mô hình lớp sửa chữa điện lạnh, điện dân dụng đã đào tạo được cho khoảng 30 học viên cộng với một số học viên là dân tộc thiểu số.

Qua triển khai  hiện Đề án 1956, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề vượt so với mục tiêu kế hoạch, chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giúp cho hàng trăm lao động (đặc biệt là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo...) được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuật hiệu quả, thu nhập cao. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động. Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Nhiều hộ sau khi khi kết thúc các khóa học đã áp dụng những kiến thức học được để phát triển sản xuất, tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và các lao động khác ở địa phương và có nguồn thu nhập ổn định.

Mô hình trồng nấm của gia đình anh Y Chinh Bkrông ( buôn Kala, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) được xem là mô hình điểm để nhân rộng

Điển hình như hộ gia đình anh Y Chinh Bkrông (buôn Kala) là hộ trồng nấm tiêu biểu của xã. Chia sẻ với P/V, anh Y Chinh Bkrông cho biết: “ Năm 2016 sau khi tham gia lớp học nghề trồng nấm tại Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana, anh quyết định vay mượn gần 30 triệu đồng để xây dựng nhà nấm với tổng diện tích gần 100 m2. Với hơn 4.300 bịch nấm sò, mỗi năm thu hoạch 3 đợt, gia đình anh thu về hơn 30 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Hiện tại, anh đang đầu tư mở rộng diện tích để trồng thêm nấm rơm để tăng thêm thu nhập.

Theo anh Y Chinh, nghề trồng nấm không đòi hỏi nhiều công lao động mà có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, với nghề học được này gia đình anh đã có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Ngoài giải quyết việc làm, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình anh mà còn giúp nhiều lao động khác có việc làm, cải thiện cuộc sống.”anh Chinh chia sẻ thêm.

Theo ông Hòa Quang Trịnh, bên cạnh những kết quả đạt được về công tác đào tạo lao động cho nông thôn trên địa bàn xã trong thời gian qua thì hiện nay vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Công tác tuyên truyền đến với người dân, người lao động vẫn chưa đạt hiệu quả, thiếu cán bộ tuyên tuyền, tỷ lệ qua đào tạo có việc làm còn thấp. Nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên khó khăn trong việc chuyển tải phổ biến kiến thức; việc giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn thuần túy. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động đào tạo nghề còn hạn chế, định mức chi chưa phù hợp với tình hình thực tế...

Do đó, để tiếp tục thực hiện đề án 1956 trong thời gian tới,  UBND xã sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện các giải pháp phấn đấu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo thực hành, điều chỉnh nội dung chương trình, thời gian đào tạo cho phù hợp với yêu cầu thực tế và nhu cầu của người học nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo”.

Có thể khẳng định rằng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần làm thay đổi nhận thức cũng như tư duy sản xuất của một bộ phận người dân nông thôn. Với sự nỗ lực đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông thôn, trong đó chú trọng phát triển mở mang các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Tin tưởng rằng, trong giai đoạn tiếp theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ phát huy được hiệu quả, gắn với định hướng phát triển kinh tế xã hội của xã, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới cán đích theo đúng lộ trình.

Lê Việt