Xã hội
Vĩnh Phúc chú trọng đảm bảo chính sách xã hội cho người dân
02:13 PM 28/02/2024
(LĐXH) - Những năm qua, đi cùng với phát triển kinh tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, các ngành của tỉnh Vĩnh Phúc cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế; hình thành xã hội không còn nhóm đối tượng bị phân biệt đối xử, bảo đảm định hướng an sinh xã hội bền vững.
Thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội
Từ năm 2019 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 48 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực trợ giúp xã hội. Hệ thống chính sách trợ giúp xã hội được bổ sung và sửa đổi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh, đối tượng thụ hưởng được mở rộng và mức trợ cấp thường xuyên được nâng lên. Xu hướng phát triển trợ giúp xã hội luôn nằm trong nhóm các tỉnh đi trước và cao hơn so với quy định của Trung ương và mặt bằng chung các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các chính sách: Đối với người cao tuổi; hỗ trợ đối tượng không có khả năng thoát nghèo (bao gồm người khuyết tật, cao tuổi…); trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật…
Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi; từng bước đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đối tượng, tạo thành lưới an toàn xã hội rộng khắp, đan xen. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hàng năm, trong đó, số người hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng tăng từ 39.816  người (năm 2016) lên 43.809 người (năm 2023) (chiếm 2,9% dân số toàn tỉnh). Các đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng được quan tâm chăm sóc, thụ hưởng chế độ cao hơn 1,24 lần so với mức chuẩn chung do Trung ương ban hành (mức chuẩn trợ giúp xã hội của Trung ương là 360.000đ/tháng, mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh là 447.000đ/tháng); Kinh phí hàng năm chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng là trên 330 tỷ đồng/năm.

Đồng chí Lưu Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
tặng quà cho các gia đình khó khăn tại xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên

Hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục được củng cố, nâng cấp. Toàn tỉnh hiện có 04 cơ sở trợ giúp xã hội (02 cơ sở công lập và 02 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 01 cơ sở tổng hợp chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi… 01 cơ sở chăm sóc quản lý người tâm thần, 02  cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập chăm sóc trẻ em mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện, Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần tỉnh đang chăm sóc, quản lý 350 người khuyết tật tâm thần đặc biệt nặng, người khuyết tật tâm thần nặng và người tâm thần lang thang; Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hàng năm tiếp nhận khoảng 300 đối tượng. Chế độ, chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội xã hội cũng được quan tâm; UBND tỉnh đã ban hành định mức – kinh tế dịch vụ chăm sóc dài hạn cho đối tượng bảo trợ xã hội. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp dịch vụ cho khoảng 45% đối tượng cần trợ giúp xã hội, với cách dịch vụ như: Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp; chỉnh hình phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật; cung cấp dịch vụ tạm lánh, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình; bảo vệ chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em bị mua bán trở về…

Chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm hỗ trợ kịp thời người dân khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh… thông qua các phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Hiến máu tình nguyện”; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tháng Nhân đạo”’; Mô hình Nhà Chữ thập đỏ... Đặc biệt, Dự án “Nuôi bò sinh sản tại các hộ nghèo người khuyết tật và Trẻ em mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới” và các chương trình hỗ trợ sinh kế khác đã mang lại hiệu quả tích cực để các đối tượng được trợ giúp có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2019 đến nay, tổng giá trị hoạt động nhân đạo, từ thiện hỗ trợ, trợ giúp khẩn cấp đạt trên 297 tỷ đồng, trợ giúp kịp thời cho hàng nghìn lượt người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Nhiều kết quả tích cực trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

Những năm qua, Vĩnh Phúc đã ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm, các phiên hỗ trợ, tư vấn lao động việc làm lưu động tại các huyện, thành phố, sàn giao dịch việc làm online. Tăng cường hỗ trợ kinh phí cho người lao động khởi nghiệp; mở rộng và duy trì việc làm, xuất khẩu lao động. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 30%; bình quân mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm cho 24.000 lượt người, vượt mục tiêu Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động

Chính sách ưu đãi đối với người có công được tăng cường và thực hiện ngày càng hiệu quả. Công tác giải quyết tồn đọng chính sách, hỗ trợ người có công về nhà ở và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, công tác đền ơn đáp nghĩa được đẩy mạnh. Hiện nay, 100% xã, phường trên địa bàn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; tổ chức tốt hoạt động thăm, tặng quà các đối tượng chính sách; đời sống của người có công và gia đình người có công được cải thiện với 100% có mức sống trung bình trở lên. Mức trợ cấp ưu đãi năm 2023 tăng hơn 5 lần so với năm 2001. Mỗi năm thực hiện chính sách ưu đãi thường xuyên cho hơn 40.000 người có công.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy chỉ đạo ưu tiên nguồn lực cho các chính sách và chương trình giảm nghèo, tập trung cho khu vực nông thôn và dân tộc thiểu số, mở rộng các chính sách hỗ trợ đối tượng cận nghèo và mới thoát nghèo. Bình quân mỗi năm, tỉnh bố trí từ ngân sách hàng trăm tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo. Phong trào vận động toàn dân tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo, các hoạt động thăm hỏi tặng quà giúp đỡ hộ nghèo được triển khai sâu rộng, toàn tỉnh không có hộ nghèo phải ở nhà tạm. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 0,61% (vượt trước 3 năm so với mục tiêu về giảm nghèo mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra).

Công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng được triển khai hiệu quả; nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội về bình đẳng giới đã có sự chuyển biến tích cực; vị trí và vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội ngày càng được cải thiện và nâng cao. Công tác Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra và cao hơn trung bình cả nước. Tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em đến năm 2020 đạt 75% (cả nước trung bình 55%); tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chỉ còn 1,15% (cả nước 6%); trẻ em nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi đều được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện được đi học tăng từ  98,7% lên 99,52%.

Chính sách bảo hiểm xã hội được triển khai đồng bộ với 3 loại hình: Bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế), bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp. Số người tham gia bảo hiểm bắt buộc tăng nhanh mỗi năm; chính sách bảo hiểm y tế đối với cho trẻ em dưới 6 tuổi, một số đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo... luôn được triển khai đầy đủ, kịp thời. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,8%; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người cao tuổi được mua, hỗ trợ mua cấp thẻ bảo hiểm y tế...

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm chỉ đạo, thống nhất tổ chức thực hiện từ cấp ủy, chính quyền các cấp, chính sách xã hội sẽ tiếp tục được triển khai đồng bộ, có hiệu quả; tập trung vào các nhiệm vụ: Thực hiện tốt Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 6/12/2019 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 12 NQ/TU, ngày 12/3/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục rà soát và hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội; hoàn thiện cơ sở dữ liệu từng nhóm đối tượng an sinh xã hội, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu cấp tỉnh, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, các đoàn thể trong triển khai thực hiện các chính sách. Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động an sinh xã hội; xây dựng hệ thống dịch vụ công về an sinh xã hội trực tuyến; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng dịch vụ an sinh xã hội phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân về an sinh xã hội; tăng cường lực lượng, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội các cấp từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… trong việc vận động các tổ chức, đoàn thể ủng hộ giúp đỡ các hộ nghèo; đồng thời khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc giám sát thực hiện chính sách xã hội. Thực hiện chính sách xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội để cùng với ngân sách nhà nước thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, giảm nghèo, trợ giúp xã hội... Qua đó, tiếp tục khẳng định, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh hàng đầu cả nước về thực hiện các chính sách xã hội và đảm bảo đời sống nhân dân./.

Lưu Văn Dũng

Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội