Lao động
Tuyên Quang đẩy mạnh các giải pháp tạo việc làm cho người lao động
09:07 AM 22/06/2018
(LĐXH)- Giải quyết việc làm mới cho lao động luôn được coi là tiêu chí quan trọng trong công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, ngay từ đầu năm 2018, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp cơ bản, mang tính bền vững để tạo mở việc làm cho người lao động.
Năm 2018, tỉnh tập trung giải quyết việc làm cho 20.000 lao động, để đạt mục tiêu nay, Tỉnh ủy, UBND, UNDN tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm - dạy nghề cho người lao động và được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng từ nông lâm nghiệp sang các ngành công nghiệp, xây dựng thương mại và dịch vụ, đặc biệt tại các xã thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Giao cho Sở Lao động – TBXH phối hợp với các ban, ngành liên quan rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong tỉnh, các khu công nghiệp, các nhà máy xí nghiệp trong nước và đi xuất khẩu lao động. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức mở các phiên giao dịch việc làm, tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi… đưa thông tin tuyển dụng của những công ty uy tín trong và ngoài tỉnh đến các huyện, thành phố, giúp người lao động tiếp cận dễ dàng và thuận tiện hơn. Nhờ vậy, số lao động được giải quyết việc làm đã tăng cả về số lượng và chất lượng, thu nhập được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống nhân dân.
Lao động đến Trung tâm tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang tìm kiếm việc làm
Anh Hoàng Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa, cho biết: Ngay từ đầu năm 2018, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch dạy nghề cụ thể. Cùng với đó, cử cán bộ đến các thôn, bản tìm hiểu nhu cầu học nghề của từng cá nhân để sắp xếp nghề phù hợp với từng hoàn cảnh, đảm bảo các đối tượng học nghề xong có việc làm, góp phần cải thiện cuộc sống. Các ngành, nghề đào tạo phải gắn liền với nhu cầu thực tiễn của từng cá nhân, địa phương như: sửa chữa máy nông nghiệp, điện, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi…
Ông Nguyễn Đức Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trao đổi: Trong năm 2018, Trung tâm sẽ tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm. Phiên giao dịch việc làm lần thứ nhất được tổ chức tại Trung tâm vào đầu tháng 3. Các phiên giao dịch tiếp theo sẽ được tổ chức lưu động đến các xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên. Trung tâm cũng đẩy mạnh việc liên kết với các công ty tuyển dụng lao động có uy tín, giúp người lao động có thêm nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp.
Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng đã giúp người lao động có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp. Chị Nguyễn Phương Thảo, thôn Hưng Kiều 2, xã An Tường (thành phố Tuyên Quang), chia sẻ: Trước đây chị làm việc tại Hà Nội với mức thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2017, chị biết được thông tin tuyển dụng của Siêu thị Vinmart (Trung tâm thương mại Vincom Palaza Tuyên Quang) chị đã nộp đơn ứng tuyển vào vị trí thu ngân. Đầu tháng 1/2018, chị bắt đầu đi làm. Sau khi hoàn thành thời gian thử việc 3 tháng, chị sẽ được ký hợp đồng và hưởng mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng. 
Bằng những giải pháp cụ thể gắn với tình hình thực tế của từng địa phương và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chắc chắn mục tiêu tạo việc làm cho người lao động sẽ đạt kết quả khả quan ngay từ những tháng đầu năm. Từ đó, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 100.000 lao động.

Chí Tâm