Giáo dục - Nghề nghiệp
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mít tinh kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
03:28 PM 20/11/2023
(LĐXH)- Sáng ngày 20/11/2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Lễ Mít tinh kỷ niệm 41 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023) và tuyên dương, khen thưởng các cấp.
Trong diễn văn khai mạc buổi lễ nhiều cảm xúc, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã ôn lại những kỷ niệm của bản thân thầy khi còn là một thầy giáo trẻ mới ra trường, công tác ở vùng đất Tây Nguyên nhiều gian khó,  dạy cho học sinh dự bị người dân tộc Ê đê, Ba na, Jrai, Sê đăng, Mơ nông, cả các em dân tộc Chăm từ Ninh Thuận lên học, các em học sinh từ Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi.. theo gia đình đi kinh tế mới. Những đứa trẻ lạ lẫm với những điều trong sách vở, chúng hiền lành và tình nghĩa như đất ba-zan, chúng mộc mạc và chân chất như cây rừng hoang dại. Nhưng chúng đáng yêu đến vô cùng!

GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại buổi lễ.

GS.TS Nguyễn Văn Minh cũng chia sẻ những suy tư, trăn trở về công việc của những nhà giáo trong thời điểm hiện nay, khi mà “Chúng ta đang ở giữa những bộn bề khó khăn trước đòi hỏi đổi mới, trước những kỳ vọng chính đáng, trước những lo toan cuộc sống hàng ngày, và cả trước những điều ta chưa hài lòng với chính chúng ta, nghĩa là còn quá nhiều bất cập”.
GS.TS Nguyễn Văn Minh cũng đề cập đến những giá trị, đến thái độ, cái mà có khi ai đó coi như là điều xa xỉ và cũng có người ái ngại khi nói đến điều này. Đó là hiện thân của quan niệm và ứng xử giữa con người với con người, giữa thầy trò, giữa người lớn và trẻ thơ và một nội hàm của nó là cảm thông từ đáy lòng của mỗi chúng ta, những nhà giáo, là yêu thương và bao dung.
Các đại biểu và cán bộ, giáo viên tham dự buổi lễ.
Theo thầy Nguyễn Văn Minh: “Những giá trị chân chính, những chuẩn mực tốt đẹp, đâu đó đang bị xô lệch bởi những lai căng, lệch lạc vẫn diễn ra. Trang bị một “bộ lọc” để gạn đục, khơi trong cho mỗi con người để hấp thu những gì tốt đẹp và loại bỏ những gì cặn bã như là một trọng trách của mỗi nhà trường, bổn phận thiêng liêng của mỗi thầy cô và cả những sinh viên cùng với mỗi gia đình.
Chúng ta không phải là những người độc tôn về quyền năng tri thức, và cũng không phải là người đi ban phát các giá trị, mà là những người đồng hành, những người khơi gợi những khả năng tiềm ẩn của người học để trong họ trỗi lên sự khát khao và can đảm chinh phục cái mới.
Kinh nghiệm càng nhiều thì càng quý, nhưng nếu chỉ kinh nghiệm mà không cập nhật cái tiến bộ thì trở thành bảo thủ ghê gớm và rồi thành lạc lõng giữa thời cuộc.
Mỗi đứa trẻ tiến bộ so với chính nó ngày hôm qua là rất đáng mừng. Giáo dục hôm nay có những mặt tích cực hơn trước đây là điều trân trọng, nhưng mỗi người hãy định vị giáo dục đất nước trong tiến trình phát triển của giáo dục thời đại, rồi những xâm thực vào các giá trị tốt đẹp thì chúng ta vẫn rất đáng suy ngẫm.

TS Trần Khánh Vân đại diện cho cán bộ giảng viên trường phát biểu tại buổi lễ.

Trọng trách tối thượng của chúng ta là giáo dục cho mỗi trẻ được hình thành về giá trị gia đình, chuẩn mực xã hội và ứng xử trong thế giới hội nhập để khát khao làm chủ tri thức và hành động chân chính.
Giáo dục để mỗi đứa trẻ yêu cha, yêu mẹ, yêu thương anh em, bà con lối xóm và rộng hơn là đồng loại và đó là gốc rễ của tình yêu quê hương, đất nước”.
 Cũng trong bài phát biểu khai mạc buổi lễ, GS. TS Nguyễn Văn Minh đã ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng thời vinh danh và biểu dương các nhà giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường qua các thế hệ.
“Mỗi chúng ta đến với nghề giáo một cách khác nhau, nhưng điều quý giá hơn cả là trong sâu thẳm mỗi chúng ta đều nặng tình yêu thương con người và mong muốn làm cho thế hệ tương lai tử tế hơn, khôn lớn hơn, trưởng thành hơn để chung tay làm cho xã hội văn minh hơn, đất nước giàu đẹp hơn. Chúng ta có quyền tự hào về nghề cao quý của mình.

Em Trịnh Khánh Hiền, sinh viên Lớp chất lượng cao K71 - Khoa Ngữ Văn đại diện cho sinh viên, học viên phát biểu.

Hôm nay là một ngày đáng nhớ, ngày cả xã hội tôn vinh Nhà giáo, ngày để chúng ta khắc sâu hơn về tình yêu và lòng tự hào công việc. Những giá trị đó, sự tôn trọng đó, hi vọng sẽ không phải thời khắc mà đó là biểu hiện trong mỗi hành động ứng xử, giao tiếp hàng ngày. Trước hết, hãy tự chính mình yêu quý và tôn trọng mình bằng sự khiêm tốn học hỏi, cầu thị để yêu thương và sẻ chia như là một hành động thường trực trong mỗi chúng ta”.

GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tặng giấy khen cho 10 giảng viên tiểu biểu năm 2022 -2023.

Đồng thời, thầy Hiệu trưởng gửi lời tri ân đến các thế hệ nhà giáo, cán bộ, sinh viên, học viên của Nhà trường, những người đã mang lại giá trị, truyền thống và sức sống cho mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Thay mặt và đại diện cho cán bộ giảng viên nhà trường TS Trần Khánh Vân bày tỏ những suy nghĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 72 năm lịch sử phát triển không ngừng về mọi mặt. Chúng tôi thực sự rất tự hào khi trường đại học sư phạm những năm gần đây đã và đang được xã hội đánh giá cao. Trường được nằm trong nhóm 15 trường đại học hàng đầu Việt Nam…Đồng thời, với tất cả sự chân thành, khiêm nhường, cho tôi được bày tỏ sự biết ơn đối với Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tập thể lãnh đạo Khoa và cá nhân các thầy cô, đồng nghiệp đã luôn tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên trẻ chúng em từng bước học hỏi, trưởng thành, cống hiến.

Lãnh đạo nhà trường tặng kỉ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" cho các cá nhân.

Phát biểu tại buổi lễ, em Trịnh Khánh Hiền, sinh viên Lớp chất lượng cao K71 - Khoa Ngữ Văn đại diện cho sinh viên, học viên sau đại học trong nước và quốc tế đang học tập tại trường thể hiện tình cảm, tình yêu thương, sự kính trọng với các thầy cô.
Tại buổi lễ, nhà trường đã trao tặng bằng khen, kỉ niệm chương cho các cá nhân tiêu biểu, những phần thưởng này ghi nhận sự cống hiến to lớn của các nhà giáo đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp trồng người vẻ vang./.
Thảo Lan