Giáo dục - Nghề nghiệp
Trường Cao đẳng Xây dựng số 1: Nỗ lực đưa thực tiễn vào quá trình đào tạo
04:21 PM 16/09/2021
(LĐXH) - Nhận thức được tầm quan trọng của việc bám sát yêu cầu thực tiễn trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, ngay từ năm 2016, Trường Cao đẳng Xây dựng số 1 đã áp dụng một số biện pháp nhằm nâng cao thời lượng thực hành, giúp sinh viên tiếp cận nhiều hơn với môi trường thực tế nghề nghiệp trong quá trình đào tạo nghề.
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa coi trọng tính ứng dụng thực hành
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội mới cho các nền kinh tế, song cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức khi mà các ngành nghề ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ và kỹ thuật cao. Vì vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu mới.
Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là một khâu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết 29-NQ/TW nhấn mạnh: “Đối với GDNN, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Hình thành hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế”.
Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2014, theo đó, chức năng quản lý nhà nước về GDNN đã được sắp xếp, bố trí lại. Điều này giúp cho công tác qui hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN được rõ nét hơn, đồng thời cũng giúp các cơ sở GDNN xác định được hướng phát triển phù hợp hơn.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, GDNN còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác tuyển sinh. Ngoài những nguyên nhân khách quan như việc mở rộng qui mô của các trường đại học, tâm lý ưa chuộng bằng cấp, quá trình phân luồng giáo dục… thì có một nguyên nhân chủ quan từ các cơ sở GDNN đó là còn xa rời thực tiễn sản xuất. Việc ít tham gia vào hoạt động nghề nghiệp dẫn đến cả thầy và trò đều thiếu kiến thức, kỹ năng thực tế. Sinh viên sau khi tốt nghiệp buộc phải được đào tạo lại trong một khoảng thời gian nhất định mới có thể bắt kịp với thực tế sản xuất.
Tại các cơ sở GDNN, đội ngũ nhà giáo có kinh nghiệm thực tiễn từ hoạt động nghề nghiệp còn rất hạn chế. Đa số giáo viên, giảng viên được tuyển dụng là các sinh viên khá, giỏi từ các trường đại học, sau một thời gian ngắn tập sự liền trực tiếp tham gia giảng dạy, do đó kỹ năng “nghề” còn rất yếu. Chính vì vậy, chương trình đào tạo, nội dung bài giảng còn mang nặng tính hàn lâm, coi trọng lý thuyết, xem nhẹ tính ứng dụng thực hành và hầu như không có sự cập nhật thực tế sản xuất. Do đó, phương pháp giảng dạy cũng không được đổi mới, vẫn duy trì “lối mòn truyền thống” là truyền đạt kiến thức.
Trường Cao đẳng Xây dựng số 1 ký kết thoả thuận hợp tác toàn diện với Công ty cổ phần Kiến trúc Việt
Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có qui định về chế độ làm việc của nhà giáo GDNN. Theo đó, mỗi năm giáo viên phải dành 4 tuần thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, việc triển khai qui định này còn nhiều lúng túng. Chất lượng và hiệu quả của thời gian thực tế còn nhiều vấn đề phải xem xét. Việc phối hợp giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp để bảo đảm chất lượng thời gian thực tế nghề nghiệp của các giáo viên còn chưa tốt. Nhiều giáo viên đi thực tế chỉ mang tính hình thức, nhằm bảo đảm hoàn thành thời gian theo qui định.
Bên cạnh đó, còn một vấn đề nữa trong các cơ sở GDNN có thể nhận thấy rõ sự xa rời thực tiễn, đó là vấn đề tự chủ về cơ cấu tổ chức, tự chủ về tài chính còn rất yếu và mang tính thụ động. Mô hình “doanh nghiệp” trong nhà trường hầu như không có hoặc còn rất manh nha. Nguồn thu chủ yếu của các cơ sở GDNN là từ ngân sách và học phí. Nguồn thu dịch vụ còn rất ít, chủ yếu là từ cho thuê cơ sở vật chất chứ không phải từ hoạt động nghề nghiệp của thầy và trò.
Đưa thực tiễn vào giáo dục nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng Xây dựng số 1
Theo ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 1, nhận thức được tầm quan trọng của việc bám sát yêu cầu thực tiễn, ngay từ năm 2016, Trường Cao đẳng Xây dựng số 1 đã áp dụng một số biện pháp nhằm cải thiện tình hình cũng như tạo định hướng phát triển của đơn vị. Cụ thể là: khuyến khích giáo viên, đặc biệt là giáo viên tham gia giảng dạy các môn học, mô đun chuyên môn đăng ký đi thực tế nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất theo lĩnh vực nghề nghiệp với thời gian từ 1 đến 3 tháng, có trường hợp kéo dài đến 6 tháng. Giáo viên chủ động đề xuất nội dung trải nghiệm thực tế, các vấn đề cần bổ sung vào nội dung giảng dạy hoặc những nội dung mà các thầy, cô còn yếu về kỹ năng. Trong thời gian đi trải nghiệm thực tế giáo viên được hưởng nguyên các chế độ như khi giảng dạy tại trường.
Trước khi đi thực tế, giáo viên phải xây dựng đề cương, thông qua hội đồng xét duyệt các cấp từ bộ môn, khoa đến nhà trường. Sau thời gian thực tế, giáo viên xây dựng báo cáo kết quả thực tế và phải được đánh giá qua hội đồng nghiệm thu các cấp.
Sau 3 năm thực hiện hoạt động thực tế nghề nghiệp của giáo viên tại Trường cho thấy các giáo viên bước đầu đã xây dựng được mối quan hệ với doanh nghiệp, có thêm các kỹ năng nghề nghiệp. Có người có thêm thu nhập ngay trong quá trình đi thực tế và trở thành cộng tác viên chuyên môn lâu dài với các doanh nghiệp. Những nội dung giáo viên đi thực tế đã góp phần làm sinh động bài giảng, thực tế hoá những nội dung lý thuyết khô khan, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, việc đi thực tế nghề nghiệp được qui định đối với nhà giáo GDNN, vì vậy giáo viên tất cả các khoa, kể cả giảng dạy lý luận, khoa học cơ bản đều đăng ký thực hiện. Chính vì vậy, hiệu quả chưa thực sự rõ rệt. Có những giáo viên đi thực tế nghề nghiệp một cách hình thức chỉ để đảm bảo khối lượng nên kết quả không thực sự như mong muốn.
Một giải pháp khác mà Trường đã triển khai nhằm giúp sinh viên tiếp cận được môi trường nghề nghiệp thực tế là ký kết với các doanh nghiệp trong quá trình dạy và học những môn học chuyên môn, đặc biệt là ký kết hợp tác với các doanh nghiệp của chính các cựu sinh viên của trường với nội dung liên kết đào tạo sinh viên giai đoạn trước và trong quá trình thực tập tốt nghiệp.
Mỗi sinh viên sẽ được hai người hướng dẫn trong quá trình học tập các môn học thực tập tốt nghiệp, trong đó có một người là giáo viên của Trường, một người là cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp.
Hàng tuần, hai người hướng dẫn trao đổi với nhau về nhiệm vụ mà sinh viên cần thực hiện. Sinh viên sẽ được trực tiếp làm chuyên môn dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Việc đánh giá kết quả thực tập sẽ được thống nhất giữa hai người hướng dẫn.
Kết quả là các sinh viên có hứng thú với môn học, kết quả học tập được đánh giá theo từng công việc cụ thể trên công trường nên đảm bảo độ chính xác và khuyến khích người học cố gắng trong học tập. Sinh viên không những được tiếp cận môi trường nghề nghiệp thực tế ngay trong quá trình đào tạo, nhiều em còn có thu nhập của bản thân khi được doanh nghiệp giao việc trong thời gian học tập tại doanh nghiệp và đạt kết quả công việc tốt. Việc giáo viên cùng đồng hành với sinh viên mình hướng dẫn trong quá trình thực tế nghề nghiệp tại doanh nghiệp không những giải quyết việc tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình học tập, thực tập của sinh viên, mà còn tăng cơ hội nâng cao nghiệp vụ của bản thân giáo viên thông qua hoạt động thực tế tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, năm 2018, nhà trường đã thành lập các Trung tâm trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, bao gồm: Trung tâm Tư vấn xây dựng, Trung tâm thí nghiệm và kiểm định xây dựng; Trung tâm Kỹ thuật Hạ tầng đô thị. Đây là các đơn vị thuộc Trường nhưng hoàn toàn tự chủ về tài chính. Đây cũng là nơi để các giáo viên tham gia vào hoạt động sản xuất, qua đó có thêm các kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên việc tham gia của các giáo viên còn rất ít do nhiều giáo viên ngại thay đổi, trong khi các hoạt động này chưa lồng ghép vào các hoạt động giảng dạy.
Từ hoạt động thực tiễn của trường, ông Phạm Quốc Hoàn đề xuất: Để nâng cao tính ứng dụng thực hành trong công tác dạy nghề, các cơ sở GDNN cần xây dựng đội ngũ giáo viên vừa có phương pháp sư phạm vừa giỏi nghề. Giáo viên trước khi giảng dạy cần phải trải qua quá trình sản xuất của nghề, ngoài các kiến thức đã được học ở trường đại học cần phải có các kỹ năng cơ bản và nâng cao của nghề.
Các cơ sở GDNN cần xem xét lại việc tổ chức đào tạo, tăng hơn nữa thời gian thực hành, thực tập tại xưởng trường và tại nơi sản xuất. Cùng với đó, các cơ sở GDNN nên thành lập các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất nghề nghiệp trong trường, đưa các công việc thực hành sản xuất vào nội dung các môn học thực tập nghề nghiệp. Việc tham gia của thầy và trò vào công việc sản xuất được tính là thời gian giảng dạy, học tập. Học tập thông qua công việc thực tế sẽ tăng thêm hứng thú cho sinh viên, đồng thời tăng thêm thu nhập cho giáo viên.
Các cơ sở GDNN cũng nên tăng cường hoạt động ký kết với các doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo, nhờ đó thầy và trò có thể tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Nhà trường tận dụng được cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại của doanh nghiệp ứng dụng vào giảng dạy và học tập. Giáo viên và sinh viên được tiếp cận trực tiếp với các công nghệ hiện đại trong sản xuất, bảo đảm sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng thích nghi ngay với thực tiễn sản xuất.
Mặt khác, các cơ sở GDNN có thể ký kết với các đối tác nước ngoài trong việc đào tạo người lao động đi xuất khẩu nghề để tận dụng các tiến bộ công nghệ trong thực tiễn sản xuất của nghề nghiệp do đối tác cung cấp; hoặc cử giáo viên đi thực tập sinh cho các đối tác nước ngoài nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên nắm vững các tiến bộ khoa học, công nghệ, giỏi ngoại ngữ và được trải nghiệm qua thực tiễn sản xuất nghề nghiệp tại các nền sản xuất tiên tiến hơn.
Thảo Lan