Giáo dục - Nghề nghiệp
TPHCM: Tập trung đẩy mạnh công tác Giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp
05:32 PM 28/05/2021
(LĐXH) - Năm 2020, cùng với các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp không nằm ngoài sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo nhưng cũng đã có nhiều sáng kiến, đổi mới trong hoạt động chuyên môn góp phần thực hiện hiệu quả chỉ tiêu của ngành đề ra.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn trao  tặng Cờ của TPHCM cho các Cơ sở GDNN đật thành tích xuất sắc trong năm 2020

Theo ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết: Thành phố hiện có 393 cơ sở GDNN, trong đó có 57 Trường Cao đẳng, 64 trường Trung cấp, 24 Trung tâm GDNN – GDTX và 248 Trung tâm GDNN và cơ sở hoạt động GDNN. Trong năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố đã tuyển sinh, đào tạo và cung cấp cho thị trường sức lao động 141.832 người học sau tốt nghiệp các trình độ, trong đó có 50.699 là sinh viên học sinh nữ và 1.198 là người dân tộc thiểu số. Chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp của Thành phố đã được các doanh nghiệp chấp nhận và đánh giá cao. Các ngành nghề trình độ sơ cấp, đào tạo kỹ năng nghề dưới 3 tháng đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường sức lao động của TP.

Riêng 5 tháng đầu năm 2021, TP đã tuyển sinh đào tạo được 37.067/371 học viên, đạt tỉ lệ 9,99% so với Kế hoạch năm. Trong đó, trình độ cao đẳng: 4.988/45.000 người, đạt 11,08%; trình độ trung cấp: 2.693/36.000 người, đạt 7,48%; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng: 29.386/290.000 người, đạt 10,13%. Số lao động đã qua đào tạo tính đến tháng 05/2021 đạt: 29.922/138.000 người, đạt tỉ lệ: 21,68% so với Kế hoạch năm, góp phần nâng tổng số lao động đã qua đào tạo đạt tỉ lệ 84,46%/chỉ tiêu năm 2021 là 85,65%.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn trao  tặng Bằng khen của TPHCM cho các nhà giáo GDNN và sinh viên đạt thành tích cao tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ XI năm 2020

Tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp ở các nhóm ngành, nghề trọng yếu của Thành phố trong năm 2020 lần lượt là: 14,83% ở 04 ngành công nghiệp trọng yếu; 82,49% ở 09 ngành dịch vụ và 2,67% ở 08 nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN là 6,46%. Số lao động đang làm việc đã qua đào tạo thực hiện trong năm 2020 là 4.048.650/4.724.795 (85,69%). Tỉ lệ có việc làm sau tốt nghiệp của người học trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: Khối trường Cao đẳng bình quân đạt khoảng 83,05% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Khối trường Trung cấp đạt bình quân có khoảng 81,16% học sinh sau tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, với mục tiêu đào tạo nghề cho ít nhất 6.415 lao động nông thôn, trong đó ở những nghề phi nông nghiệp tập trung đào tạo những nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và đào tạo những nghề nông nghiệp ở những nghề kỹ thuật cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người học sau đào tạo, góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn. Tính đến ngày 31/12/2020  TP đã đào tạo được 7.166/ chỉ tiêu 6.415 lao động nông thôn (đạt 110,25% chỉ tiêu đề ra), trong đó có 2.776 người học nghề nông nghiệp, 4.390 người học nghề phi nông nghiệp và có 3.315 là lao động nữ trong tổng số người được đào tạo – chiếm tỷ lệ 46,26%. Riếng 5 tháng đầu năm 2021, TP đã đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt: 116/5.800 người, đạt tỉ lệ 02% so với Kế hoạch năm.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề TPHCM trong giờ học thực hành

Cùng với công tác đào tạo, trong năm 2020 TP còn tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Tính đến 31/12/2020, tổng số nhà giáo ( cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên) của các cơ sở GDNN thành phố 13.068 người, trong đó 100% nhà giáo đạt chuẩn chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, 85,53% nhà giáo có chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ quốc gia tương đương 11.178 người; 86,48%  nhà giáo có chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin (căn bản hoặc nâng cao), tương đương 11.302 người; 14,52% nhà giáo đạt chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tương đương 1.897 người. Tổng số nhà giáo được đánh giá, xếp hạng theo quy định của Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH n gày 10 tháng 3 năm 2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Quy định về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong năm 2020 là 10.860 người.

Ngoài ra, trong năm 2020, Thành phố còn tổ chức tập huấn cho 125 cán bộ quản lý, nhà giáo của các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm trên địa bàn Thành phố về công tác bảo đảm chất lượng, chuẩn bị cho công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo trong năm 2020 chủ yếu do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự thực hiện. Riêng đối với đội ngũ cán bộ quản lý, Sở đã phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức 03 lớp đào tạo nghiệp vụ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp, làm cơ sở để bổ nhiệm, công nhận Ban giám hiệu/Ban giám đốc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Công tác xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học được thành phố tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề TPHCM trong giờ học thực hành

Song song đó, TP còn Tổ chức thành công Hội giảng nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp cấp Thành phố với sự tham gia của 99 thí sinh đến từ 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 22/54 trường cao đẳng, 14/63 trường Trung cấp và 02/24 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên. Trong 99 bài trình giảng tại Hội giảng nhà giáo năm 2020, kết quả thống kê được có 17 nhóm ngành nghề, theo đó: có 58 bài trình giảng thuộc nhóm nghề kỹ thuật (cơ khí; điện – điện tử; điện lạnh; công nghệ thông tin; công nghệ may – thời trang; xây dựng; công nghệ ôtô; lái xe ô tô; tự động hóa; truyền thông) và 41 bài trình giảng thuộc các nhóm nghề Kinh tế - Dịch vụ (Kế toán; chăm sóc sức khỏe; chăm sóc sắc đẹp; nhà hàng – khách sạn; chế biến món ăn; tiếng Anh). Qua đó đã thể hiện tính đa dạng trong ngành nghề đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như khả năng cung cấp nguồn nhân lực ở mọi lĩnh vực đời sống, góp phần hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đặc biệt, trong Hội giảng năm nay, lần đầu tiên, Ban tổ chức đã phát hiện và tôn vinh 02 nhà giáo đã có nhiều nỗ lực trong việc sáng tạo đồ dùng dạy học, đã đưa tiết trình giảng đạt được nhiều hiệu quả tích cực hơn sử dụng các phương tiện kỹ thuật dạy học thường có trên thị trường. Kết quả có 08 nhà giáo đạt giải Nhất, 08 nhà giáo đạt giải Nhì, 08 nhà giáo đạt giải Ba, 25 nhà giáo đạt giải Khuyến khích và 46 nhà giáo được công nhận danh hiệu nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy giỏi cấp Thành phố.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề TPHCM trong giờ học thực hành nghề cơ khí chế tạo

Bên cạnh đó, trong năm 2020, thực hiện theo quy định về công tác tự đánh giá chất lượng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố đã tiến hành công tác tự đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Về công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tính đến ngày 15 tháng 12 năm 2020, có 13/108 trường Cao đẳng, trường Trung cấp đã được kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (đạt tỉ lệ 12,04%). Bên cạnh công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc kiểm định chương trình đào tạo cũng được các trường Cao đẳng, trường Trung cấp quan tâm triển khai thực hiện đạt có hiệu quả.

Theo đánh giá của Sở LĐ – TBXH TP, trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Công tác GDNN đã đạt được nhiều kết quả ghi nhận như: Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm triển khai thực hiện đến rộng khắp các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn TP. Công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp như: truyền hình, truyền thanh, báo chí, mạng xã hội,.. đã đưa thông tin về giáo dục nghề nghiệp đến gần với xã hội hơn. Chất lượng nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp dần khẳng định vị thế với xã hội; kiến thức chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề của người học sau tốt nghiệp ngày càng tiệm cận thực tế sản xuất, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Công tác nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được các trường quan tâm triển khai và tạo hiệu quả tích cực trong hoạt động học thuật tại các đơn vị. Đặc biệt, tại ngày Hội khởi nghiệp quốc gia dành cho học sinh sinh viên giáo dục nghề nghiệp lần đầu tiên được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, 01 sản phẩm nghiên cứu khoa học của thầy và trò trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh đã được vinh danh và trao thưởng giải nhất.

Mặc dù công tác giáo dục nghề nghiệp Thành phố những năm gần đây có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, tâm lý coi trọng bằng cấp và chưa thấy tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, dẫn đến công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học tại nhiều quận – huyện chưa như mong muốn. Công tác tuyển sinh các trình độ giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động liên kết với đơn vị sử dụng lao động để cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp. Công tác quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn bất hợp lý trên địa bàn, đầu tư phát triển cơ sở vật chất còn chậm, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đào tạo của các đơn vị.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề TPHCM trong giờ học lý thuyết nghề điện điện tử

Chính vì vậy, để khắc phục những hạn chế và tồn tại, phát huy những kết quả đạt được trong công tác GDNN, năm 2021, Ngành lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM  tiếp tục đề ra mục tiêu và giải pháp trọng tâm để phấn đấu đạt các chỉ tiêu như: Phấn đấu thực hiện tuyển mới 371.000 người học ở các trình độ; tổ chức đào tạo cho 5.800 lao động nông thôn; phấn đấu tỉ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo đạt 85,65%. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP tăng cường đổi mới tuyên truyền giới thiệu thế mạnh các ngành nghề đào tạo, hình thức tuyển sinh, các chính sách đối với người học và mối quan hệ giữa các trường với doanh nghiệp trong liên kết đào tạo, tuyển dụng người học sau tốt nghiệp. TP cũng tập trung đẩy mạnh đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học theo các dự án trung hạn giai đoạn 2021- 2025; chủ động ký kết chương trình đào tạo song hành với doanh nghiệp; phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thông tin, dự báo nhu cầu nhân lực, hướng nghiệp, giải quyết việc làm, giới thiệu việc làm; phấn đấu tỉ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo của Thành phố đến cuối năm 2021 đạt 85,65%.

Ngoài ra, Ngành tiếp tục theo dõi các Kế hoạch đã trình Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh như: Kế hoạch tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Kế hoạch thực hiện chính sách đào tạo nghề cho người mãn hạn tù tái hoà nhập cộng đồng; Kế hoạch thực hiện chính sách đào tạo nghề cho người khuyết tật trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch khảo sát cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc Thành phố phục vụ công tác tổ chức, sắp xếp lại; Kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.

Hoàng Cảnh