Lao động
TP.HCM: Quyết tâm kéo giảm thất nghiệp đô thị xuống dưới 4%
08:20 PM 12/01/2022
(LĐXH) - Năm 2022, TP.HCM sẽ đào tạo nghề đạt 86,05%, giải quyết việc làm cho 300 ngàn người lao động (NLĐ), kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị xuống dưới 4%, kéo giảm hộ nghèo, cận nghèo dưới 0,5%, trong đó chú trọng lĩnh vực chăm lo an sinh xã hội và giải quyết lao động – việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ.
Đồng chí Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ - TB&XH TPHCM phát biểu tại Hội nghị Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai nhiệm vụ lĩnh vực lao động – người có công và xã hội năm 2022

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai nhiệm vụ lĩnh vực lao động – người có công và xã hội năm 2022, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức, chiều 12/01/2022, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, với chủ đề năm 2022 là “Kỷ cương, Gương mẫu, Trách nhiệm, Chuyên nghiệp, Sáng tạo”, Sở LĐ-TB&XH Thành phố sẽ thực hiện 12 lĩnh vực của ngành lao động, người có công và xã hội với 39 chương trình, để án; 22 chỉ tiêu chủ yếu trong đó có 4 chỉ tiêu pháp lệnh Thành phố giao: Đào tạo nghề đạt 86,05%, giải quyết việc làm cho 300 ngàn NLĐ (trong đó có140 ngàn chỗ việc làm mới), kéo giảm thất nghiệp đô thị xuống dưới 4%, kéo giảm hộ nghèo, cận nghèo dưới 0,5%, trong đó chú trọng lĩnh vực chăm lo an sinh xã hội và giải quyết lao động – việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ.

Về lĩnh vực an sinh xã hội ông Tấn cho biết, sẽ tham mưu UBND Thành phố thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho các diện yếu thế có đời sống khó khăn sau đại dịch Covid-19 như hộ nghèo, cận nghèo, hỗ chính sách có công, công nhân, NLĐ khó khăn, diện bảo trợ xã hội,... Hỗ trợ nhà ở xã hội cho công nhân và NLĐ,… ứng dụng thông tin trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Bảo đảm các diện yếu thế được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, để kéo giảm các chiều thiếu hụt nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, chất lượng sống. Đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công.

Thực hiện các chính sách để hỗ trợ NLĐ sau Tết Nguyên Đán quay trở lại làm việc tại các doanh nghiêp gắn với chính sách đặc thù về an sinh xã hội như: nhà ở xã hội giá thấp, vận động các chủ nhà trọ giảm giá cho thuê phòng cũng như xây dựng các khu lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất,… Nâng cao tần suất các phiên giao dịch việc làm, kết nối trực tuyến giữa các địa phương trong vùng, liên vùng nhằm tại điều kiện cho NLĐ và doanh nghiệp kết nối việc làm. Cung cấp thông tin làm việc tại thị trường lao động ở các nước Nhật Bản, Hàn Quóc, Đài Loan (Trung Quốc) để NLĐ có cơ hội lực chọn và đăng ký đi làm việc.  Đẩy mạnh cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thị trường lao động đồng bộ, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông về lao động – việc làm, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh để thực hiện kịp thời và chính xã các chế độ chính sách đối với NLĐ và người sử dụng lao động”, Ông Lê Minh Tấn nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến điểm cầu tại TPHCM

Trước đó, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết năm 2021, Sở LĐ-TB&XH Thành phố đã hoàn thành 18/24 chỉ tiêu, có 6 chỉ tiêu không đạt do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhưng cũng có 04 chỉ tiêu vượt như: Giải quyết việc làm 306 ngàn/300 ngàn lượt, đạt 102% kế hoạch, tạo ra 141/140 ngàn chỗ việc làm mới (đạt 100,5%). Số NLĐ đang làm việc được đào tạo nghề đạt 86,44% (4.165 triệu/4.819 triệu người). Trong năm, Sở đã cấp giấy phép lao động cho nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao tại 8000 doanh nghiệp với 23 ngàn lao động nước ngoài đến làm việc tại Thành phố.

Về thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố, Sở đã tiên phong tham mưu đề xuất 03 gói an sinh đặc thù từ nguồn ngân sách Thành phố hỗ trợ cho NLĐ, công nhân ngừng việc, nghỉ không lương, hộ nghèo (kể cả người dân của các tỉnh, thành khác đang có mặt ở Thành phố). Đến nay đã hỗ trợ cho 10 triệu 343 ngàn lượt người và hộ gia đình với kinh phí trên 13 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thành phố đã đỡ đầu 2.200 trẻ mô côi cha, mẹ và phụng dưỡng 383 người cao tuổi neo đơn,..

Ông Lê Minh Tấn cho biết, khi dịch bệnh Covid-19  bùng phát lần thứ 4, có hơn 3.000 cán bộ công chức viên chức và NLĐ thuộc Ngành LĐ-TB&XH Thành phố đã thực hiện “3 tại chỗ” căng mình phòng chống dịch, hơn 5 tháng không được về nhà. Với nỗ lực đó, nhưng dịch lây lan quá nhanh nên không tránh khỏi phát sinh các ca F0 tại các đơn vị. Có 9/26 đơn vị có phát sinh ca nhiễm với 4.384/14.000 đối tượng (học viên cai nghiện và đối tượng bảo trợ xã hội) và có 313/3.600 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) bị F0, trong đó có 03 viên chức đã tử vong. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở đã tham mưu UBND ban hành Quyết định thành lập 4 Trung tâm điều trị F0 tại các đơn vị, hiện dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả. Đồng thời, tổ chức tiêm vắc xin cho cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ cùng các học viên cai nghiện và đối tượng bảo trợ xã hội đủ 2 mũi, hiện nay đang tiến hành tiêm mũi 3.

Hải Đăng