Lao động
Thực thi Bộ luật Lao động 2019 tại doanh nghiệp – Tuyển dụng và hợp đồng lao động
05:37 PM 25/11/2021
(LĐXH) - Ngày 25/11/2021, tại Hà Nội, Trường Đại học Lao động - Xã hội phối hợp với Hanns Seidel Foundation (HSF) tổ chức Hội thảo “Thực thi Bộ luật Lao động 2019 tại doanh nghiệp – Tuyển dụng và hợp đồng lao động” nhằm tập trung phân tích, đánh giá một số quy định mới của Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 về bảo vệ quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động (QHLĐ); đánh giá những quy định thay đổi quan trọng về hợp đồng lao động (HĐLĐ), dẫn đến một số thay đổi trong công tác tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Tham dự Hội thảo có PGS. TS Lê Thanh Hà - Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Lao động – Xã hội; ông Michael Siegner - Trưởng đại diện của HSF tại Việt Nam; ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH; TS. Đỗ Thị Tươi – Trưởng khoa Quản lý nguồn nhân lực cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện của ILO, Viện khoa học xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Công đoàn, Đại học Luật, VCCI, các nhà quản lý doanh nghiệp và các thầy cô giáo đại diện các Phòng, Khoa thuộc trường.
PGS.TS. Lê Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mại Hội thảo, PGS. TS Lê Thanh Hà nhấn mạnh: Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, BLLĐ đã được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 với nhiều điểm mới quan trọng; không chỉ tạo lập khung khổ pháp lý mới, hiện đại nhằm xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định mà còn giúp doanh nghiệp hội nhập và tiếp cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bảo vệ hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động và lợi ích chung của toàn xã hội.
Do vậy, việc tổ chức Hội thảo “Thực thi BLLĐ 2019 tại doanh nghiệp – Tuyển dụng và HĐLĐ” dưới sự tài trợ của HSF là rất cần thiết. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và giảng viên các trường đại học gửi bài nghiên cứu tham gia. Các bài nghiên cứu có giá trị, mang hàm lượng khoa học cao và thể hiện tính đa dạng trong cách tiếp cận. Đây là những bài viết không chỉ tổng kết thực tiễn mà còn có tính lý luận, học thuật, gợi mở những giải pháp khoa học, hàm ý hoàn thiện quy định của pháp luật về lao động.
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện của HSF tại Việt Nam phát biểu chào mừng
Trong một ngày làm việc, Hội thảo đã tập trung chia sẻ, trao đổi và thảo luận nhiều vấn đề thiết thực xung quanh việc thực thi BLLĐ 2019 tại doanh nghiệp về tuyển dụng và HĐLĐ”, như: Những điểm mới của BLLĐ năm 2019 về HĐLĐ và sự tác động đến QHLĐ; Đảm bảo quyền của người lao động trong quan hệ cho thuê lại lao động trong bối cảnh Hội nhập quốc tế; Quy định mới về HĐLĐ trong doanh nghiệp và Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra thực hiện pháp luật về HĐLĐ trong doanh nghiệp hiện nay; Tác động của BLLĐ năm 2019 đến hoạt động tuyển dụng và ký kết HĐLĐ trong Doanh nghiệp; Những thay đổi về tuyển dụng và HĐLĐ tại tập đoàn Sunhouse theo BLLĐ 2019...
Bàn chủ tọa Hội thảo
Những điểm mới của BLLĐ năm 2019 về HĐLĐ
Theo TS. Cấn Hữu Dạn, Trường Đại học Lao động - Xã hội, nội dung về HĐLĐ là chương đặc biệt quan trọng trong BLLĐ theo hướng đảm bảo hơn sự tự do giao kết HĐLĐ; tôn trọng các nguyên tắc giao kết của hợp đồng trong kinh tế thị trường, phòng tránh lao động cưỡng bức và tạo hành lang thuận lợi hơn trong việc thực hiện HĐLĐ. HĐLĐ được xem là căn cứ pháp lý quan trọng chứa đựng các nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên; là trung tâm của QHLĐ từ khi giao kết, thực hiện và đến khi chấm dứt QHLĐ. Trong bối cảnh hội nhập thương mại tự do thế hệ mới, việc và vận dụng pháp luật trong QHLĐ sẽ giúp các bên xây dựng được mối quan hệ hợp tác và phát triển. So với BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 đã có những điểm mới về tên gọi của hợp đồng, về loại hợp đồng, về hình thức hợp đồng, về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng,… Đây có thể xem là những điểm mới mang tính dấu ấn, đột phá của BLLĐ 2019; khắc phục những bất cập trước đây trong QHLĐ nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, nghĩa vụ của các bên. Do đó, các nội dung này cần được tuyên truyền để các bên trong QHLĐ được bảo vệ và tự bảo vệ quyền lợi của mình, góp phần xây dựng QHLĐ tiến bộ, hài hòa, ổn định, phù hợp hơn với điều kiện hiện nay của Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH giải đáp các câu hỏi của doanh nghiệp về việc thực thi BLLĐ
Bình luận một số quy định của BLLĐ 2019 về giao kết HĐLĐ, ThS. Đoàn Xuân Trường – Trường Đại học Luật HN cho rằng: Về cơ bản, định nghĩa HĐLĐ theo BLLĐ 2019 vẫn giữ nguyên nhưng có bổ sung trường hợp: các bên giao kết hợp đồng với các tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động thì vẫn được xem là HĐLĐ và chịu sự điều chỉnh của BLLĐ. Quy định trên đã khẳng định việc xác định một hợp đồng có phải là HĐLĐ hay không sẽ phụ thuộc vào bản chất của hợp đồng chứ không phải căn cứ vào tên gọi. Qua đó, đã giúp giải quyết được tình trạng người sử dụng lao động cố tình lợi dụng để giao kết hợp đồng với người lao động nhưng lại né tránh các quy định ràng buộc thông qua việc giao kết đồng lao động nhưng với các tên gọi khác, chẳng hạn như “hợp đồng khoán việc”, “Hợp đồng dịch vụ”; “Hợp đồng cộng tác viên”, “Hợp đồng tư vấn”; “Hợp đồng đại lý”; “Hợp đồng thầu nhân công”; “Hợp đồng cung ứng nhân công thay cho hợp đồng thuê lại lao động”… để trốn tránh các nghĩa vụ về BHXH, BHYT, BHTN và thực hiện các nghĩa vụ khác đối với NLĐ nếu xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quy định mới này vừa có tác dụng định hướng hành vi đối các bên chủ thể QHLĐ vừa tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích NLĐ làm thuê, quy định này nhằm để tránh các trường hợp NSDLĐ lách luật như các trường hợp nêu trên, nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ và đảm bảo cho công tác quản lý của Nhà nước. Quy định trong BLLĐ năm 2019 cũng sẽ giúp loại trừ những trường hợp sử dụng quan hệ dân sự, thương mại những giao dịch ký kết với bản chất HĐLĐ. Việc bổ sung quy định này vào BLLĐ 2019 giúp mở rộng phạm vi áp dụng cũng như đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người lao động, bên được xem là yếu thế trong mối QHLĐ.
TS. Cấn Hữu Dạn trình bày về những điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 về HĐLĐ và sự tác động đến QHLĐ
Còn theo Luật gia, Giảng viên chính Nguyễn Hoàng Mai, Khoa QHLĐ, Trường Đại học Công đoàn, BLLĐ 2019 đã có hiệu lực gần một năm, những vấn đề thay đổi về HĐLĐ đã được hướng dẫn kỹ bằng Nghị định của Chính phủ, tuy nhiên thực tiễn qua gần một năm thực hiện việc tự kiểm tra của NSDLĐ về pháp luật lao động theo BLLĐ 2019 cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều hạn chế: Hoạt động tự kiểm tra của một số DN còn mang tính đối phó, hình thức; Một số DN có xu hướng che giấu các sai phạm và không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung hoặc ký mới HĐLĐ theo quy định của BLLĐ 2019. Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều DN lâm vào tình cảnh khó khăn, việc duy trì và đảm bảo sự tồn tại, phát triển của DN còn đang là bài toán khó trước mắt. Vì vậy, việc áp dụng quy định mới của pháp luật lao động chưa được quan tâm đúng mức, việc thực hiện công tác tự kiểm tra có xu hướng bị bỏ quên, bị chậm trễ hoặc lờ đi. Để nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra của DN trong thực hiện pháp luật lao động nói chung, pháp luật về HĐLĐ nói riêng, cần phải có một số giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ NSDLĐ trong các DN nhận thức đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của hoạt động này và có biện pháp để thực hiện thuận lợi hơn trong công tác tự kiểm tra cũng như báo cáo kết quả kiểm tra theo tiến độ yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Luật gia Nguyễn Hoàng Mai, Khoa QHLĐ, Trường Đại học Công đoàn trình bày về việc tự kiểm tra của DN trong thực hiện pháp luật về HĐLĐ
Một số vấn đề đặt ra trong thực thi BLLĐ về hợp đồng và tuyển dụng lao động
Đánh giá về tác động của BLLĐ năm 2019 đến hoạt động tuyển dụng và ký kết HĐLĐ trong doanh nghiệp, ThS. Nguyễn Thị Nền, Công ty Dược phẩm Tâm Bình cho rằng: Với những quy định về tuyển dụng và HĐLĐ được đổi mới, bên cạnh những thuận lợi, tiến bộ thì vẫn còn tồn tại không ít những khó khăn, bất cập, cần được những người làm luật và các bên liên quan cùng nhìn nhận vào thực tế và đưa ra những giải pháp đồng bộ để điều chỉnh, bổ sung, cập nhật sao cho hiệu quả và phù hợp với tình hình mới, như: vấn đề như tuyển dụng giai đoạn tiền doanh nghiệp, phương thức tuyển dụng trong thời đại 4.0, linh hoạt trong thủ tục trình tự thông báo tuyển dụng, hướng dẫn thực hiện và các biện pháp đề phòng rủi ro trong việc giao kết HĐLĐ qua phương thức điện tử, có hướng dẫn quy trình thực hiện việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của cả người lao động và người sử dụng lao động, v.v.. làm sao để hài hòa lợi ích giữa các bên, và ngày càng hướng tới mục tiêu công bằng, bình đẳng và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng các chuyên gia và diễn giả đã cùng trao đổi, thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề liên quan đến việc thực thi BLLĐ 2019 về hợp đồng lao động và tuyển dụng lao động. Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu về vấn đề nâng lương, lao động cưỡng bức, tự do tìm việc làm (một người lao động có thể ký nhiều HĐLĐ với nhiều chủ sử dụng lao động miễn là pháp luật không cấm), người làm việc dưới 15 tuổi, lao động chưa thành niên, lao động là người cao tuổi, về hình thức ký hợp đồng lao động điện tử (qua thông điệp dữ liệu điện tử ví dụ qua email, zalo, facebook…), vấn đề đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước của người lao động, ký hợp đồng thử việc, về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, về giấy phép cho lao động nước ngoài tại Việt Nam, về ký kết hợp đồng dịch vụ, hợp đồng chuyên gia, cho thuê lại lao động…
Đức Dương