Lao động
Thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
02:06 PM 22/12/2017
(LĐXH) Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 gắn liền với những đột phá về công nghệ, internet, kỹ thuật số, thực tế ảo,…. đã và đang phát triển với một tốc độ chóng mặt chưa từng thấy trên toàn thế giới. Các chuyên gia cho rằng cuộc CMCN này sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, khi máy móc dần thay thế con người. Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của nó, nhất là khi lực lượng lao động nước ta còn rất dồi dào nhưng lại thiếu năng lực và kĩ năng.
Bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng tất cả là nhờ vào sự sáng tạo của con người và sẽ tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Trước tiên, CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức sản xuất, kết hợp giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số tạo ra Internet Vạn vật (Internet of Things - IoT), có thể kết nối thế giới thực và ảo thông qua hệ thống máy móc và mạng internet. Nhờ có IoT, con người có thể bao quát toàn bộ quá trình sản xuất của công ty trong khi vẫn ngồi ngay tại nhà mình, giảm thiểu rất nhiều chi phí về vận chuyển, giao dịch, tối ưu hóa nghiên cứu phát triển, logistics đến dịch vụ khách hàng. Công nghệ là mảng đầu tư trở nên hấp dẫn và đầy tiềm năng nhất của các nhà đầu tư trong thời gian tới, đặc biệt là công nghệ số và Internet. Những công việc mang tính chất rập khuôn, lặp lại đơn giản sẽ dần được robot đảm nhiệm, tính tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất được chú trọng và đẩy mạnh hơn trước.
Những công việc mang tính chất dây chuyền sẽ có xu hướng tự động hóa trong tương lai
Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa và điều đó làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động. Trong khi sự đổi mới công nghệ thường dẫn đến năng suất cao hơn và thịnh vượng hơn thì tốc độ thay đổi cũng sẽ tạo ra một áp lực lớn do sự dịch chuyển của nguồn lực lao động. Người lao động tại các nhà máy trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có những việc làm mới với các yêu cầu khác và trong một môi trường làm việc hay cách tổ chức không còn giống như hiện nay. Cuộc CMCN 4.0 sẽ phát triển mạnh mẽ do nhu cầu tìm kiếm phương thức sản xuất mới hiệu quả, bền vững hơn trước những thách thức như biến đổi khí hậu, già hóa dân số hay các vấn đề an ninh khác ngày càng tăng lên. Cuộc cách mạng này sẽ mang tới nhiều cơ hội phát triển và hội nhập, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang dần trong đà hội nhập với những nền kinh tế phát triển với việc hoàn tất nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như TPP, FTA với EU, Liên minh kinh tế Á - Âu... Bởi vậy, những tiến bộ về mặt khoa học, kỹ thuật sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những công nghệ mới được tạo ra trong cuộc CMCN 4.0 cũng sẽ góp phần đặc biệt trong sản xuất cà cải thiện năng suất lao động nước nhà. Cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là cái gì xa xôi đối với các doanh nghiệp Việt Nam nữa, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng người máy vào dây chuyền sản xuất của mình. Trước kia thì chỉ có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) như Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản đầu tư robot vào chuỗi sản xuất trong ngành công nghiệp nhựa, công nghiệp lắp ráp ô tô,...nhưng đến bây giờ, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng thấy lợi và đầu tư vào.
Cần chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu việc làm 
Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đem lại khá nhiều bất cập và thách thức cho thị trường lao động Việt Nam. Thứ nhất, lực lượng lao động nước ta tuy dồi dào nhưng chủ yếu là lao động tay nghề thấp, dễ dàng bị thay thế bởi máy móc tại các nhà máy, xí nghiệp. Các nhân viên cũng chưa học được cách sử dụng công nghệ hiện đại, đa phần vẫn do người nước ngoài đảm nhiệm. TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: "Nhiều doanh nghiệp lắp dây chuyền tự động, robot hiện đại là lập tức "thải" ngay vài trăm công nhân. Tôi cho rằng, đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Về lâu về dài đã có dự báo là đến 86% lao động của ngành may mặc và da giày của Việt Nam sẽ mất việc trong vòng 15 năm tới". Bởi khi máy móc thay thế con người thì nhiều lao động với tay nghề thấp sẽ bị mất việc. Do đó, các quốc gia đang phát triển cần quan tâm hơn nữa đến đối tượng lao động sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bằng những chính sách tạo cơ hội việc làm cho họ.
Thứ hai, lao động Việt Nam chưa có tư duy chịu thay đổi, chấp nhận cái mới, hay làm việc theo lối mòn. Năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học và công nghệ của lao động có trình độ cao còn nhiều yếu kém. Trong bối cảnh các công việc mang tính sáng tạo và đòi hỏi kĩ năng tốt ngày càng được chú trọng, các nhà tuyển dụng sẽ cần nguồn nhân lực chất lượng cao và thích nghi tốt với các thay đổi về cách thức sản xuất cũng như công nghệ mới. Vì vậy, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số cần phải có kỹ năng mà máy móc không thể có như khả năng lãnh đạo, làm chủ doanh nghiệp. Máy móc sẽ thay thế những kỹ năng đơn giản và lặp đi lặp lại. Để tồn tại và phát triển trong nền công nghiệp 4.0, lực lượng lao động trong nước phải tự trau dồi và nâng cao các kỹ năng. Đồng thời các doanh nghiệp và chính phủ cũng phải tham gia nâng cao kỹ năng cho người lao động tạo điều kiện cho họ dịch chuyển một cách tự do.
Để có thể bắt kịp với tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lao động Việt Nam cần trau dồi thêm kĩ năng, có tư duy học hỏi, hoàn thiện bản thân, không ngại thay đổi. Bên cạnh đó, chính phủ, các ban ngành liên quan cũng cần có những kế hoạch phù hợp để định hướng, cải thiện chất lượng nguồn lao động trong nước, hỗ trợ người lao động học nghề, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Minh Ngọc