Lao động
Thí điểm một số mô hình đào tạo hướng tới đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
11:20 AM 09/09/2020
(LĐXH) - Một trong những giải pháp quan trọng trọng việc thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đó là triển khai một số mô hình đào tạo mới gắn dạy nghề với nhu cầu của xã hội hướng tới việc làm và thu nhập bền vững cho người lao động…
Chúng ta thử nhìn nhận và đánh giá lại một số mô hình, chương trình, dự án đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cùng như những nỗ lực của các bên trong quá trình triền khai thực hiện những nhiệm vụ "hậu đào tạo"...
Đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo gắn với việc làm và thu nhập bền vững của người lao động
1. Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng theo chương trình và công nghệ đào tạo chuyển giao từ nước ngoài để cấp bằng cao đẳng quốc tế (Diploma) của quốc gia chuyển giao chương trình. Thực hiện Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ trướng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện chuyển giao các bộ chương trình và công nghệ đào tạo từ Úc và Đức để tổ chức đào tạo tại các trường cao đẳng của Việt Nam, khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên được cấp 2 bằng, bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam và bằng Diploma của quốc gia chuyển giao chương trình. Sinh viên khi tốt nghiệp chương trình đào tạo này, còn có năng lực tiếng Anh (hoặc ngôn ngữ của quốc gia chuyển giao chương trình) tương đương trình độ B1 Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu để có thể tham gia vào thị trường lao động trong nước hoặc quốc tế.
Để tham gia đào tạo theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài, các trường cao đẳng của Việt Nam phải có đội ngũ giáo viên được đào tạo tại quốc gia chuyển giao chương trình, được kiểm định, đánh giá và cấp chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện tham gia giảng dạy theo các triêu chuẩn quốc tế. Các điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác cũng được các chuyên gia quốc tế đánh giá, kiểm định theo từng học kỳ. Chương tình đào tạo thường xuyên được cập nhật, bổ sung phù hợp với những thay đổi của chương trình gốc tại quốc gia chuyển giao để phù hợp với các quy chuẩn quốc tế. Trong quá trình tổ chức đào tạo, chuyên gia của quốc gia chuyển giao chương trình tham gia hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đánh giá người học; kết quả đánh giá được cập nhật về quốc gia chuyển giao chương trình để quản lý, theo dõi, làm cơ sở đánh giá, cấp bằng tốt nghiệp.
2. Sớm triển khai mô hình KOSEN, KOSEN (tên tiếng Anh: National Institute of Technology) là hệ thống các trường đào tạo kỹ thuật quốc lập tại Nhật Bản được thành lập năm 1961 nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực lớn từ ngành công nghiệp khi nền công nghiệp Nhật Bản đang ở mức phát triển vượt trội. Ở Nhật Bản hiện tại, có tổng số 57 trường thuộc hệ thống KOSEN (51 trường cấp quốc gia, 3 trường công và 3 trường tư).
Mô hình này tiếp nhận học sinh sau khi tốt nghiệp THCS ở độ tuổi 15 và đào tạo học sinh trong 5 năm để cấp bằng cao đẳng. KOSEN sử dụng xuyên suốt phương pháp đặt vấn đề trong quá trình dạy học, nhằm giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng cần thiết như thói quen/kỹ năng đọc tài liệu, phương pháp tư duy khoa học, tranh luận khoa học, làm việc tập thể, sớm tiếp cận những vấn đề thực tiễn. Trong mô hình KOSEN, trên 80% giảng viên là những người có trình độ cao về chuyên môn. Bên cạnh đó, các trường KOSEN được đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ đào tạo rất hiện đại để các học sinh có thể thích nghi nhanh chóng với việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, những năm cuối, học sinh được dành phần lớn thời gian để tiến hành các thí nghiệm và thực tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên và chuyên gia nhằm phát huy tính sáng tạo của mỗi cá nhân. Tính hấp dẫn của các trường KOSEN không chỉ là chất lượng đào tạo cao mà còn có nhiều cơ hội cho sinh viên tự phát triển và thể hiện mình. Khoảng 99% sinh viên tốt nghiệp từ các trường KOSEN tìm được việc làm và làm các công việc đúng chuyên ngành học tập của mình.
Trong khuôn khổ hợp tác với JICA, phía Việt Nam (Bộ Công thương) đã hợp tác với tổ chức này để đào tạo thí điểm theo mô hình KOSEN tại một số trường thuộc Bộ Công thương từ năm 2012-2016, gồm: Trường Cao đẳng Công thương Phúc Yên, Cao đẳng Công thương Huế, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm, Trường Đại học Sao Đỏ, Đại học Điện lực, Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Năm 2018 - 2020, KOSEN triển khai hợp tác với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trên cơ sở thỏa thuận hợp tác cấp cao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ tổ chức đào tạo thí điểm theo mô hình KOSEN. Nếu được Thủ tướng chấp thuận, dự kiến năm 2019 người học sẽ có cơ hội lựa chọn các ngành, nghề học theo mô hình này để đa dạng hóa các hình thức đào tạo.
3. Chương trình đào tạo 9+ cho học sinh tốt nghiệp THCS, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 2817/LĐTBXH-TCGDNN ngày 13/7/2018 gửi các trường trung cấp, trường cao đẳng về việc khuyến khích các trường xây dựng chương trình, tổ chức tuyển sinh đào tạo chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó các trường nghiên cứu, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo cao đẳng liên thông từ trung cấp dành cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS (gọi tắt là chương trình đào tạo cao đẳng 9+).
Chương trình đào tạo cao đẳng 9+ được thiết kế và tổ chức đào tạo đảm bảo đáp ứng các điều kiện: Việc xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo theo đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; Người học sau khi được nhận bằng trung cấp sẽ tiếp tục học liên thông ngay lên chương trình cao đẳng cùng ngành, nghề, những nội dung đã học không phải học lại; Trong quá trình học trung cấp, người học được tăng cường học văn hóa trung học phổ thông theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo đủ điều kiện học liên thông lên trình độ cao đẳng; Chương trình đào tạo được thiết kế chặt chẽ và linh hoạt để đảm bảo người học tùy theo điều kiện của mình có thể học liên tục theo các giai đoạn của chương trình hoặc cũng có thể dừng học để tham gia vào thị trường lao động với trình độ tương ứng với quá trình học tập.
Đào tạo theo tích lũy mô- đun, tín chỉ, tạo các điều kiện cho lao động thực hiện được cơ hội học tập nâng cao trình độ
4. Đào tạo kép, đào tạo gắn với doanh nghiệp, đặt hàng đào tạo, trong 2 năm 2018 và 2019 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi các Bộ, ngành địa phương, các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp để chỉ đạo, thúc đẩy tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội. Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức ký kết các Chương trình phối hợp công tác với nhiều cơ quan, tổ chức, hiệp hội và tập đoàn doanh nghiệp lớn (VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Tổ chức GIZ, Tổng hội thương gia Đài Loan tại Việt Nam, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn FLC...), tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDNN trong việc gắn kết với các doanh nghiệp. Các trường chủ động ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, Bộ LĐTBXH đã thực hiện thí điểm một số mô hình đào tạo song hành phù hợp điều kiện Việt Nam. Học sinh vừa học ở trường vừa học tại doanh nghiệp, sau khi kết thúc đào tạo, được doanh nghiệp nhận vào làm việc (thực hiện tại Trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng, Cao đẳng Công nghệ quốc tế  Lilama II, Cao đẳng Kỹ nghệ II, Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên...).
Đối với hình thức đặt hàng đào tạo, bên cạnh hình thức nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo gắn với giao kinh phí (đặt hàng đào tạo), các trường đã đẩy mạnh đào tạo theo đặt hàng với doanh nghiệp, theo đó, doanh nghiệp đặt hàng và đồng hành với nhà trường ngay trong chương trình đào tạo, để chăm chút cho sinh viên từ lý thuyết, thực hành nghề nghiệp tại trường và doanh nghiệp sát nhất với yêu cầu thực tế, tiến tới, tiếp nhận sinh viên vào làm việc ngay khi tốt nghiệp mà không tốn thời gian đào tạo lại. Hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đã được thực hiện khá thành công ở các trường: Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Cao đẳng Du lịch, Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Cao đẳng Kỹ thuật Cao thắng.
5. Đa dang hóa các hình thức, phương thức đào tạo, cùng với hình thức đào tạo chính quy (tập trung, liên tục), phương thức đào tạo theo niên chế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn mở rộng việc tổ chức đào tạo theo hình thức thường xuyên (vừa làm, vừa học), phương thức đào tạo theo tích lũy mô- đun, tín chỉ, tạo các điều kiện thuận lợi cho mọi người lao động thực hiện được cơ hội học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, học liên tục, học suốt đời và không phải học lại những mô đun, tín chỉ đã học, đã tích lũy được, cụ thể:
- Khi bắt đầu khóa học cơ sở đào tạo nghề nghiệp tổ chức kiểm tra xem xét, miễn giảm những môn học, mô-đun, tín chỉ mà người học đã học xong, có kết quả điểm đạt yêu cầu trở lên hoặc số tín chỉ mà người học đã tích lũy được trước khi vào học.
- Trước khi học từng môn học, mô-đun, nhà giáo trực tiếp giảng dạy thực hiện việc kiểm tra, đánh giá về kiến thức, kỹ năng của người học để chuẩn bị nội dung giảng dạy phù hợp.
- Chỉ tổ chức giảng dạy những nội dung kiến thức, hướng dẫn thực hành kỹ năng nghề theo nội dung, yêu cầu của môn học, mô-đun mà người học chưa biết, chưa làm được hoặc chưa biết kỹ, đầy đủ, chưa làm được thành thạo.
- Kết thúc đợt học, kỳ học hoặc môn học, mô-đun người học làm công việc của mình tại nơi ở, nơi làm việc và tự ôn, luyện nội dung kiến thức, thực hành kỹ năng nghề đã học để chuẩn bị kiểm tra, thi kết thúc môn học, mô-đun đã học.
Hiện tại các trường cao đẳng du lịch tổ chức đào tạo các nghề trong lĩnh vực du lịch cho lao động đang làm việc trong các khách sạn, doanh nghiệp du lịch; các trường cao đẳng y, dược tổ chức đào tạo các nghề trong lĩnh vực y tế cho lao động đang làm việc tại các bệnh viện, cơ quan, đơn vị y tế theo hình thức vừa làm, vừa học. Lao động phổ thông được các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tập trung tuyển vào làm việc đã tích lũy kỹ năng nghề, tham gia các chương trình đào tạo vừa làm vừa học để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề và được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc học nghề mới để chuyển nghề./.
Nguyễn Hữu Bắc