Giáo dục - Nghề nghiệp
Sơn La: Nâng cao nhận thức trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
01:44 PM 27/11/2023
(LĐXH) - Thực hiện Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai kế hoạch của tỉnh, thời gian qua, Trường Cao đẳng Sơn La đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị và đào tạo, tập trung thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp thông qua việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá...

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng xác định chuyển đổi số là xu thế chung nên tỉnh Sơn La đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực tham gia của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Trường Cao đẳng Sơn La đã xác định 4 nhóm mục tiêu lớn cần đạt được đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gồm: Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; Đổi mới và phát triển chương trình đào tạo; Hạ tầng, nền tảng và học liệu số; Quản lý số và quản trị số. Mục tiêu phấn đấu của nhà trường là xây dựng trường trở thành trung tâm đào tạo về nhân lực số, nhân lực đa ngành có kỹ năng số, sẵn sàng làm việc trong môi trường số, đáp ứng yêu cầu chương trình chuyển đổi số của tỉnh.

Nhà trường đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số để thực hiện một cách có hệ thống, đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời, chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế và sự cần thiết phải chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học. Xây dựng mô hình quản lý đào tạo theo hướng từng bước đáp ứng chuyển đổi số, phân công nhiệm vụ cụ thể cho bộ phận chuyên trách quản lý phần cứng của hệ thống công nghệ thông tin và bộ phận chuyên trách theo dõi hệ thống quản lý đào tạo chạy trên nền tảng số.

Theo kế hoạch đề ra, Trường Cao đẳng Sơn La sẽ tập trung thực hiện mục tiêu phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN, nhà trường đã triển khai bồi dưỡng chuyên đề “Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp” cho 60/225 nhà giáo và cán bộ quản lý. Cùng với đó, nhà trường đã hiệu chỉnh 12 chương trình đào tạo Cao đẳng, 15 chương trình đào tạo Trung cấp, tiếp tục triển khai hiệu chỉnh 04 chương trình đào tạo Cao đẳng, 08 chương trình đào tạo Trung cấp; tiến hành hiệu chỉnh chương trình chi tiết môn học trong đó tích hợp năng lực số. Nhà trường đã chủ động xây dựng các khóa học bổ trợ trong đó có nội dung liên quan đến năng lực số, kỹ năng số cho người học. Trường đã triển khai xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao ngành/nghề Công nghệ thông tin trong đó đã bổ sung nội dung an toàn thông tin. Bên cạnh đó 100% giáo trình theo chương trình đào tạo trong đó có tài liệu chương trình đào tạo trọng điểm của trường đã được số hóa. Bước đầu nhà trường đã thực hiện kết nối, cập nhật đầy đủ nội dung và khai thác Phần mềm cơ sở dữ liệu GDNN. Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của trường được thực hiện trên hệ thống văn bản điện tử (VNPT-iOffice), hệ thống thư điện tử nội bộ và có sử dụng các nền tảng trực tuyến hỗ trợ (mạng xã hội, hệ sinh thái google…). Quá trình quản lý đào tạo được thực hiện trên phần mềm quản lý đào tạo. Hiện Trường Cao đẳng Sơn La đã đạt 12/25 tiêu chí của Trường Cao đẳng Chất lượng cao.

Từ năm 2021, trong kế hoạch chiến lược phát triển, nhà trường đã đề ra các biện pháp chuẩn bị các điều kiện để chuyển đổi số, như: Số hóa, mô phỏng hóa chương trình đào tạo trọng điểm; sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhà trường vẫn còn nhiều trở ngại, đó là hạ tầng công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng yêu cầu học tập và tương tác số mọi lúc mọi nơi; nguồn tài nguyên số chưa nhiều và chưa đồng bộ, do đó hệ sinh thái giáo dục chưa phát triển; quản trị số chưa phát triển đồng bộ và tổng thể; chuyển đổi số trong đào tạo còn chậm do nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Trường Cao đẳng Sơn La đã có nhiều hoạt động để đạt được mục tiêu đề ra về chuyển đổi số

Trước đó, nhà trường có hệ thống máy chủ đã được trang bị từ năm 2005 và đang vận hành hệ thống công nghệ thông tin gồm 5 máy chủ có chức năng riêng cho hệ thống, hơn 150 máy vi tính cùng các phần mềm ứng dụng các loại được trang bị và khai thác, giúp đảm bảo 100% các hoạt động trong nhà trường được tin học hóa. Hệ thống sao lưu dữ liệu đảm bảo an toàn cho hệ thống được triển khai với 3 phương án: Sử dụng hệ thống Synology; sao chép sao lưu định kỳ theo tuần qua hệ thống lưu trữ; sử dụng Autobackup lên Cloud. Toàn bộ hệ thống quản lý từ quản lý tuyển sinh đến chương trình đào tạo, quản lý thi, quản lý quá trình học tập đều được tích hợp trên một hệ thống phần mềm quản lý chung toàn trường, giúp công tác quản lý được minh bạch, khách quan, nhanh và chính xác. Nhà trường hiện đang sử dụng phần mềm UMAS - Quản lý đào tạo để phục vụ công tác quản lý đào tạo theo tín chỉ hiệu quả, bao gồm các phần: Quản lý tuyển sinh, kế hoạch đào tạo, quản lý lớp độc lập, giáo vụ, công tác học sinh sinh viên, báo cáo đào tạo, công tác học sinh sinh viên. Đồng thời, ứng dụng hệ thống văn bản điều hành VNPT iOffice, hệ thống thư điện tử nội bộ, hệ thống mạng LAN được triển khai tới 100% giảng viên, cán bộ phục vụ và toàn thể người học; triển khai áp dụng các công cụ quản trị đào tạo cao đẳng thông minh như số hóa thông tin quản lý, quản lý lịch giảng dạy, thời khóa biểu, đăng ký học tín chỉ...

Đến nay, nhà trường đã số hóa khoảng 12,5% số tài liệu, giáo trình, 100% giảng viên đã thực hiện số hóa tài liệu và tiến hành dạy học trực tuyến. Cùng với đó, tổ chức tập huấn công tác dạy học trực tuyến cho giảng viên và sinh viên. Đặc biệt, các khoa và các bộ môn cũng đã chủ động tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về dạy học trực tuyến trong các đơn vị một cách hiệu quả, thiết thực. Hiện, nhà trường đã tiến hành số hóa một phần tài liệu trong thư viên điện tử với hơn 2.600 đầu sách và nhiều đầu sách điện tử. Đồng thời, hợp tác với Trường Đại học Thái Nguyên xây dựng hệ thống liên kết thư viện số, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên và sinh viên.

Để thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi số trong GDNN, thời gian tới Trường Cao đẳng Sơn La sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin; phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế; huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số... đáp ứng yêu cầu thực tiễn về chuyển đổi số trong GDNN.

Đăng Doanh