Xã hội
Sóc Trăng: Trên 46.000 đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp xã hội trong năm 2023
09:25 AM 28/02/2024
(LĐXH) - Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đã trợ cấp cho 46.891 đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí hơn 293 tỷ đồng.
Trong đó: Trợ cấp xã hội hàng tháng cho 42.747 đối tượng; trợ cấp cho 4.011 cá nhân và hộ gia đình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Tỉnh đã hỗ trợ chi phí mai táng cho 3.223 gia đình đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng; Cấp 33.716 thẻ Bảo hiểm y tế cho các đối tượng bảo trợ xã hội.
Thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh 

Tặng quà cho người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh

thực hiện trợ cấp cho 2.314 đối tượng, trong đó trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng cho 2.302 đối tượng; Trợ giúp khẩn cấp 12 trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực; Hỗ trợ chi phí mai táng cho 32 đối tượng khó khăn theo quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng công tác trợ giúp xã hội khẩn cấp thông qua việc hỗ trợ đột xuất cho 236.959 người, trong đó hỗ trợ 3.545,025 tấn gạo và 40 hộ bị thiệt hại về nhà ở. Bằng nhiều nguồn lực, các địa phương đã huy động trợ giúp bằng tiền, hiện vật cho các hộ bị thiệt hại về nhà ở với tổng số tiền 597 triệu đồng. Đồng thời thường xuyên rà soát, chủ động phương án trợ giúp xã hội, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.
Đối với công tác người cao tuổi, Thường trực Ban Công tác Người cao tuổi tỉnh phối hợp Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức chúc thọ và trao tặng Thiếp mừng thọ của Chủ tịch nước cho 69 công dân tròn 100 tuổi (gồm 5m vải lụa và tiền mặt 700.000 đồng/người); tặng quà của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho 06 cụ cao tuổi nhất tỉnh và 1.020 công dân tròn 90 tuổi với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các xã còn tổ chức thăm tặng quà, mừng thọ cho 20.306 công dân tròn 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn thành viên Ban Công tác Người cao tuổi tỉnh. Phối hợp Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì Người cao tuổi Việt Nam (01/10) tại Quảng trường Bạch Đằng có 500 đại biểu dự. Treo 57 phướn tuyên truyền; tặng quà cho 81 người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa, người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện nay toàn tỉnh có 100.022 người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; Có 25.556 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú. Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và các cấp hội tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ người nghèo, phúng viếng cho 65.178 người cao tuổi, kinh phí thực hiện hơn 4 tỷ đồng.
Trong công tác người khuyết tật, trong năm 2023, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn Ban công tác về Người khuyết tật tỉnh. Phối hợp với Trường Đại học Lao động - Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (Cơ sở II) tổ chức 02 lớp tập huấn về kỹ năng chăm sóc, trị liệu tâm thần, rối nhiễu tâm trí và tổ chức tập huấn chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực y tế - lao động và xã hội cho nhân viên chăm sóc của Trung tâm Bảo trợ xã hội và Cơ sở Cai nghiện ma túy. Thống kê hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có 22.850 người khuyết tật, trong đó có 4.333 người khuyết tật đặc biệt nặng, 16.874 người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp hàng tháng và 1.643 khuyết tật nhẹ. Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 3.905 người trực tiếp chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; Chăm sóc 85 người khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và các cơ sở bảo trợ ngoài công lập. Hội đồng Xác định mức độ khuyết tật cấp xã đã cấp 22.850 Giấy xác nhận khuyết tật cho người khuyết tật.
 Thực hiện Quyết định số 1286/QĐ-UBND ngày 30/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành Quy trình thực hiện liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính, tính đến ngày 31/12/2023, có 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện việc đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh về liên thông Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí (thực hiện trợ cấp mai táng phí cho đối tượng bảo trợ xã hội). Kết quả, trong năm đã tiếp nhận 715 hồ sơ trực tuyến, có 100% hồ sơ được trả kết quả cho người dân.
Trong công tác quản lý cơ sở trợ giúp xã hội, thực hiện Nghị định số 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ, toàn tỉnh Sóc Trăng có 05 cơ sở bảo trợ xã hội, gồm 01 cơ sở công lập (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh) và 04 cơ sở ngoài công lập (Trung tâm An Dưỡng Hoàng Tuấn, Cơ sở bảo trợ xã hội tại Chùa Năng Nhơn, Nhà dưỡng lão Phước Lâm và Nhà dưỡng lão Đức Thọ). Ngoài ra, còn 2 cơ sở tôn giáo Ủy ban nhân dân cấp phường cấp Giấy phép hoạt động trợ giúp xã hội là Chùa Vĩnh Hưng và Chùa Phật học. Hiện nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 109 đối tượng (gồm 31 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, 17 người cao tuổi cô đơn và 61 người khuyết tật); Các cơ sở ngoài công lập chăm sóc, nuôi dưỡng 160 đối tượng, gồm 137 người cao tuổi và 23 trẻ em không nguồn nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội như: Việc triển khai thực hiện giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và chi trả chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội không dùng tiền mặt còn nhiều khó khăn, do thiếu trang thiết bị thực hiện ở cơ sở, công tác cập nhật chuẩn hóa thông tin dữ liệu các đối tượng còn chậm do cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm nhiều việc. Việc triển khai liên thông thủ tục hành chính giải quyết chính sách mai táng phí cho đối tượng bảo trợ xã hội trên hệ thống dịch vụ công bảo trợ xã hội tiến độ còn chậm và chưa thực hiện được việc trả kết quả liên thông theo đúng quy trình do một số địa phương chưa thực hiện được ký số và đóng dấu của lãnh đạo cấp xã, huyện dẫn đến các hồ sơ bị trễ hẹn.
Thêm vào đó, công tác xác định mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật về một số dạng tật như: tâm thần, nghe nói, một số loại bệnh làm suy giảm chức năng cơ thể còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất ở các Trạm Y tế còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu xác định mức độ khuyết tật; thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thường xuyên thay đổi, thành viên mới chưa được tập huấn kỹ năng chuyên môn nên việc thẩm định, kết luận mức độ khuyết tật đôi khi chưa chính xác.
Trên cơ sở đó, để thực hiện tốt hơn chính sách trợ giúp xã hội, tỉnh Sóc Trăng đề nghị Cục Bảo trợ xã hội tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ: Nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội. Bổ sung một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo quy định của Luật Trẻ em. Xem xét, điều chỉnh tăng mức hệ số trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng ở các cơ sở trợ giúp xã hội; tăng mức hệ số cho nhóm trẻ em không nguồn nuôi dưỡng ở ngoài cộng đồng bằng với nhóm trẻ em đang sống tại cơ sở trợ giúp xã hội. Tiếp tục tham mưu trình ban hành Chương trình Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2023 đến năm 2030. Đề xuất nâng mức quà tặng hiện vật cho người cao tuổi thọ tròn 90 tuổi theo Thông tư số 96/2018/TT-BTC ngày 18/10/2018 của Bộ Tài chính./.

Hồng Phượng