Lao động
Sóc Trăng: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
11:18 AM 28/11/2022
(LĐXH) - Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian qua, Công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gắn với giải quyết việc làm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hê thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh hàng năm tuyển sinh và đào tạo đạt khoảng 20.915 người/năm, các ngành, nghề đào tạo thuộc các lĩnh vực như: nông nhiệp, thủy sản, chế biến, kỹ thuật, thương mại, dịch vụ.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Sóc Trăng

Công tác giải quyết việc làm sau đào tạo đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (trên 80% lao động có việc làm sau đào tạo). Người lao động được đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh,..., mang lại hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Điểm nổi bật là trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo được 11.729 người (đạt tỷ lệ 73,31% so với kế hoạch), trong đó trình độ cao đẳng là 669 người, trung cấp 591 người, sơ cấp 4.948 người, dưới 3 tháng 4.238 người. Tổng số tốt nghiệp là 5.866 người, trong đó trình độ cao đẳng là 224 người, trung cấp là 159 người, sơ cấp là 4.073 người, dưới 3 tháng là 1.412 người. Dự kiến trong năm 2022, ước thực hiện tuyển sinh đào tạo đạt 16.637 người (đạt tỷ lệ 103,4% so với kế hoạch năm). Trong đó, trình độ cao đẳng là 583 người, trung cấp là 602 người, sơ cấp là 6.701 người, dưới 3 tháng là 8.751 người. Tổng số tốt nghiệp được 14.834 người, trong đó trình độ cao đẳng là 295 người, trung cấp là 161 người, sơ cấp 5.945 người, dưới 3 tháng 8.433 người, đào (đạt 89,2% so với tổng số tuyển sinh). Nâng tỷ lệ lao động qua đào đạt 62,31%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 57,31%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ là 28,65%.

 Lao động nông thôn ở huyện Kế Sách học nghề may công nghiệp xong đều có việc làm và thu nhập ổn định

Bà Lục Bích Phúc, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết,  để đạt được kết quả nêu trên là nhờ tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm, đồng thời xác định việc đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, nhằm mục tiêu đáp ứng nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ngoài ra, Sở cũng tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động và đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong tinh hình mới. Để thực hiện đạt mục tiêu này, Sở đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành hàng loạt văn bản như:  Đề án Nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Sóc Trăng; Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn  2021 - 2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng;  Quy định đơn giá học phí, giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho người lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; xây dựng chỉ tiêu đào tạo nghề nghiệp đối với hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021-2025; ban hành văn bản triển khai đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đánh giá kỹ năng nghề quốc gia năm 2022...

Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với các ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 08/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2027. Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Sở còn góp ý dự thảo Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án Phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; góp ý dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, Sở còn thẩm định hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; theo dõi, giám sát công tác tư vấn tuyển sinh, đào tạo nghề trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Một lớp đào tạo nghề cho lao động tại Thành phố Sóc Trăng gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo

Đồng thời, tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động GDNN cho Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Vĩnh Châu; Thẩm định hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp của các Trung tâm GDNN-GDTX: thành phố Sóc Trăng, huyện Châu Thành, huyện Long Phú; thẩm định hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Công ty TNHH đào tạo lái xe Hưng Thịnh, Trung tâm GDNN đào tạo lái xe ôtô Hưng Thịnh; tiếp nhận thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ, đã ban hành Quyết định hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho 35 lao động, với số tiền 315 triệu đồng.

Song song đó, Sở còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với 18 cuộc, thu hút sựa quan tâm của 596 lượt người dự nghe. Phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng và Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng xét chọn và thống nhất giới thiệu 01 nhà giáo GDNN tiêu biểu và 02 sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu trong năm học 2021 - 2022 được tôn vinh nhân ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 04/10 năm 2022 do Tổng cục GDNN tổ chức tại Hà Nội.

Bên cạnh Công tác giáo dục nghề nghiệp được tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở triển khai có hiệu quả và phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.  Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề chất lượng cao của các cơ sở GDNN trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh công tác GDNN đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2022 và năm tới, Tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tập trung đẩy mạnh các giải pháp, như: Đào tạo nghề theo nhu cầu, yêu cầu của công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (đào tạo nghề theo địa chỉ), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty, doanh nghiệp (nâng cao chỉ số PCI) trong tỉnh. Phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 52%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,5%.

Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và các chính sách về giáo dục nghề nghiệp cho người lao động với nhiều hình thức phù hợp nhằm thu hút thêm nhiều nguồn nhân lực; hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.... Đẩy mạnh công tác định hướng nghề nghiệp và công tác phân luồng để tăng số lượng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, nhất là các ngành, nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các ngành, nghề trọng điểm được Trung ương đầu tư phát triển theo cấp độ khu vực ASEAN và cấp độ quốc gia.

Bên cạnh đó, Tỉnh tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án, phấn đấu đưa Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng và Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng vào danh sách các trường cao đẳng chất lượng cao theo Quyết định số 1363/QÐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ các tổ chức, cá nhân để phát triển hạ tầng kỹ thuật các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về quy mô, chất lượng đào tạo và có thể áp dụng những công nghệ mới nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mặt khác, đẩy mạnh thực hiện quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác tuyển sinh, đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, nhân sự, tài chính.

Lớp học nghề pha chế cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo tại TP Sóc Trăng trong năm 2022

Căn cứ nhu cầu nhân lực của xã hội và khả năng đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động xây dựng chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, trình độ đào tạo phù hợp theo nhu cầu của người sử dụng lao động, công ty, doanh nghiệp. Ngoài ra, Tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở GDNN tư thục và cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng cường việc gắn kết các cơ sở GDNN với doanh nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý để thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra, có sự tham gia của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm tỉnh; chú trọng các hoạt động về tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.

Hoàng Cảnh