Lao động
Sơ kết hoạt động cho thuê lại lao động giai đoạn 2013-2017
08:55 AM 19/09/2017
(LĐXH) - Sáng ngày 18/9/2017, tại TP.HCM, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị Sơ kết hoạt động cho thuê lại lao động giai đoạn 2013-2017.

Bà Tống Thị Minh – Cục trưởng cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH)

phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Tống Thị Minh – Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “ Cho thuê lại lao động là một loại hình kinh doanh mà đã hình thành từ những thập niên 60-70 ở các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…  Theo Tổ chức Lao động quốc tế thì hoạt động cho thuê lại lao động có những tính chất rất đặc thù và được hiểu một cách khái quát là một doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào công ty rồi ký hợp đồng lao động với người lao động, sau đó doanh nghiệp này lại ký hợp đồng cho công ty khác thuê lại lao động để  sử dụng. Còn các chế độ, chính sách về lương, thưởng  được công ty cho thuê lao động chịu trách nhiệm.  Ở việt Nam hoạt động cho thuê lại lao động đã hình thành từ  giai đoạn 80-90 nhưng chưa có điều khoản nào được chế tài trong Bộ Luật lao động.  Chính vì vậy, hoạt động cho thuê lại lao động bắt đầu được lấy ý kiến đóng góp và đưa vào dự tháo luật, và chính thức có hiệu lực tại Bộ Luật lao động  sửa đổi năm 2012.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua đánh giá tình hình thực hiện đến hết 31/7/2016 thì cả nước có 126 doanh nghiệp được cấp phép và hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động và tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực phía Nam, sau đó là các tỉnh phía Bắc. Hiện nay,cả nước có 4 tỉnh mà tập trung chủ yếu hoạt động cho thuê lại lao động nhiều nhất là TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Nội, đây là 4  tỉnh mà chiếm hơn 1 nửa số doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong cả nước.
Theo bà Tống Thị Minh, để đánh giá những bước đầu khái quát việc thực hiện cho thuê lại lao động ở Việt Nam nhằm nhận định những mặt được và những hạn chế  trong giai đoạn vừa rồi để giúp cơ quan nhà nước làm cơ sở để hoàn thiện các văn bản quy định phù hợp với thực tiễn.

Đại diện Trung tâm thông tin (Bộ LĐ-TB&XH) giới thiệu phần mềm dịch vụ công trực tuyến về cấp,cấp lại, gia hạn, đổi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

Về triển khai văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động cho thuê lại lao động, các văn bản quy phạm về cho thuê lại lao động ban hành đã tạo hành lang pháp lý để người sử dụng lao động và người thực hiện lao động thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động, tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hòa và ổn định, góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động. 
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe một số bài tham luận về hoạt động cho thuê lại lao động của một số đại diện doanh nghiệp như: Công ty cổ phần L&A và Công ty TNHH Nam Phú Phát về những thuận lợi, khó khăn và một số kiến nghị, đề xuất  trong công tác cho thuê lại lao động trong thời gian tới. Trung tâm thông tin (Bộ LĐ-TB&XH) giới thiệu phần mầm dịch vụ công trực tuyến về cấp, cấp lại, gia hạn, đổi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
                                                                                                           Lê Việt