Xã hội
Quảng Trị: Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
04:54 PM 24/04/2018
(LĐXH) – Tỉnh Quảng Trị là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do hậu quả của chiến tranh để lại, điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Được sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, các tổ chức nước ngoài, Quảng Trị đã và đang nỗ lực chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Tỉnh Quảng Trị có hơn 81% diện tích đất bị nghi ô nhiễm bom mìn. Theo thống kê đến tháng 4/2018, trên địa bàn có hơn 3.430 người chết và 5.100 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, trong đó có rất nhiều trẻ em. Trong hơn 20 năm qua, tại Quảng Trị đã có nhiều dự án, các nhà tài trợ, đối tác và tổ chức nhân đạo nước ngoài triển khai hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn như: Bộ Ngoại giao Đức, Bộ Hợp tác Phát triển Đức, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Na Uy, Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh, Quỹ Viện trợ Phát triển Ailen, UNICEF, Tổ chức Cây Hòa Bình, Quỹ Tưởng niệm cựu binh Mỹ tại Việt Nam… cùng nhiều quỹ nhân đạo, tổ chức và cá nhân ngoài nước khác.
Quảng trị đã có nhiều Dự án khắc phục hậu quả bom mìn do các tổ chức Phính phủ tài trợ
Ông Nguyễn Đức Thiện, Quản lý Trung tâm Điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh Quảng Trị cho biết, hằng năm có từ 15 - 20 triệu mét vuông đất sạch được các tổ chức, dự án rà phá bom mìn bàn giao cho người dân canh tác. Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khắc phục hậu quả nạn nhân bom mìn sau chiến tranh, đơn vị sẽ tăng cường kêu gọi và vận động thêm các nguồn lực để thiết thực hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Đẩy mạnh liên kết giữa hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn và hoạt động phát triển kinh tế địa phương; tăng cường kêu gọi và vận động thêm các nguồn lực để thiết thực hỗ trợ nạn nhân bom mìn.“Ngày càng nhiều các dự án tham gia vào hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tại Quảng Trị. Bên cạnh đó, số lượng diện tích bị ô nhiễm bom mìn được rà phá, đất sạch được bàn giao ngày càng tăng và số lượng nạn nhân bom mìn ngày càng giảm. Trong thời gian tới, đơn vị có thể tư vấn khi gặp các đoàn khách, giới thiệu cho họ về công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn từ đó có thể kêu gọi vận động viện trợ thêm cho nạn nhân bom mìn”, ông Thiện nói.
Anh Hồ Văn Lai, (28 tuổi), ở khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, là nạn nhân bom mìn đã vượt lên số phận để trở thành người có ích. Tuổi thơ bình yên của anh Lai dừng lại ở năm anh 10 tuổi, sau khi anh gặp phải tai nạn bom mìn. 18 năm trước, vụ tai nạn do bom bi phát nổ khiến 2 người bạn chết tại chỗ, Lai bị thương tật 86%. Từ đây, cuộc đời Lai rơi vào ngày tháng đau đớn vì những vết thương, phải trải qua 9 ca phẫu thuật, cụt một cánh tay và hai chân, mất mắt phải, mắt trái thị lực chỉ 1/10 và mất cả 1 năm để phục hồi. Sau tai nạn ấy tưởng như mọi thứ đã khép lại với Lai. Nhưng không khuất phục trước số phận, hai năm sau anh tiếp tục theo đuổi việc học tại một trường khuyết tật, về sau anh thi đậu ngành công nghệ thông tin Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Sau ngày rời giảng đường đại học, anh tình nguyện gia nhập nhóm tuyên truyền tác hại bom mìn có tên “Người vận động”. Với anh, việc đứng trước đám đông để tuyên truyền về tác hại của bom mìn khiến cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.
Quảng Trị đẩy mạnh liên kết giữa hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn và  phát triển kinh tế địa phương
Vượt qua nỗi mặc cảm bản thân, anh đã hòa nhập với cộng đồng. Anh Lai chia sẻ, đứng trước các em nhỏ để tuyên truyền về tác hại bom mìn, anh kể về câu chuyện của cuộc đời mình từng là nạn nhân bom mìn do thiếu hiểu biết và luôn có ước nguyện không còn một ai phải chịu hậu quả như mình. Anh tâm sự: “Mới chỉ học năm 2 tại Trường Đại học Bách khoa, mắt tôi đã rất kém và phải trở về nhà, không có việc gì làm. Sau đó dự án Renew đã quan tâm giúp đỡ tôi, đề nghị làm cộng tác viên tuyên truyền phòng tránh bom mìn. Bây giờ cuộc sống của tôi tốt đẹp hơn trước nhiều. Việc tuyên truyền phòng tránh bom mìn giúp tôi hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, có động lực để mơ ước đến tương lai tốt đẹp hơn”.
Đến nay, các dự án đã tiến hành rà phá an toàn hơn 132 triệu mét vuông đất bị ô nhiễm bom mìn nặng, xử lý an toàn hơn 650.000 bom mìn, vật liệu nổ các loại; tuyên truyền cho hơn 350.000 lượt học sinh và người dân được tiếp cận với chương trình “Giáo dục phòng tránh bom mìn”, nhằm giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Theo ông Hoàng Nam, Giám đốc Sở Ngoại vụ, tổng số kinh phí thực hiện các dự án trong hơn 20 năm qua là trên 80 triệu đô la Mỹ. Hiện công tác rà phá bom mìn tại Quảng Trị gặp nhiều khó khăn do mật độ ô nhiễm bom mìn tại đây quá lớn, địa hình phức tạp. “Năm 2017 là năm đầu tiên Quảng Trị không có người chết do tai nạn bom mìn. Phần lớn các gia đình nạn nhân bom mìn gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên phải vừa giáo dục nhận thức, vừa cung cấp hỗ trợ về dân sinh giúp các nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng”, ông Hoàng Nam cho biết.
Tại Quảng Trị, các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ xây dựng 332 nhà ở nhân đạo; hỗ trợ trực tiếp cho 215 nạn nhân bom mìn và gia đình, cung cấp 1.600 học bổng cho các nạn nhân bom mìn và con em nạn nhân bom mìn, 200 nạn nhân bom mìn và người khuyết tật được khám và cấp chân, tay giả cũng như các dụng cụ chỉnh hình để tái hòa nhập cộng đồng; 540 người khuyết tật và nhân viên y tế địa phương được đào tạo và tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Thục Quyên