Xã hội
Quảng Trị: Chú trọng chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội và người lao động
06:07 PM 16/03/2024
(LĐXH) - Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Trị cũng đặt biệt quan tâm chăm lo đời sống người có công, gia đình chính sách; hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người lao động và các đối tượng khác thông qua nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể.

Tặng quà các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh

Theo đó, tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phúc tra, rà soát số hộ, số nhân khẩu thực sự có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết. Theo báo cáo trực tiếp của UBND các huyện, thị xã, thành phố, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp người dân thiếu đói cần hỗ trợ. Theo đó, UBND huyện Vĩnh Linh đã phân bổ, hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân tại 03 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà với số lượng 7.290 kg gạo/140 hộ/486 khẩu thiếu đói (mức hỗ trợ 15kg/người/tháng.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đầy đủ, kịp thời theo quy định; các cấp, các ngành, các địa phương tích cực phối hợp, thực hiện chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng người có công với cách mạng, người dân có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, hộ nghèo, cận nghèo, người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, đồng bào vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Toàn tỉnh đã tặng 25.963 suất quà của Chủ tịch nước cho người có công và gia đình chính sách người có công, với kinh phí 7.906,8 triệu đồng; Ngân sách tỉnh bố trí 2.910,9 triệu đồng để trao 7.171 suất quà cho các đối tượng chính sách xã hội, gia đình và người có công với cách mạng, lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các đơn vị, cá nhân, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo; người lao động trên địa bàn tỉnh; Ngân sách huyện bố trí 1.291,2 triệu đồng để trao 3.354 suất quà cho các đối tượng. Ngoài ra, ngân sách xã bố trí 2.207,125 triệu đồng để trao 7.539 suất quà cho các đối tượng chính sách xã hội, gia đình và người có công với cách mạng, các đơn vị, cá nhân, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng bảo trợ xã hội; người lao động trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.
Tỉnh Quảng Trị đã vận động nguồn kinh phí xã hội hóa, nguồn hỗ trợ khác được 11.474,728 triệu đồng để trao 26.021 suất quà. Thực hiện Chương trình “Nối vòng tay nhân ái”, các cơ quan, đơn vị, tổ chức thành viên đã vận động nguồn lực, tổ chức đoàn đi thăm và trao tặng 80.259 suất quà Tết, hỗ trợ xây dựng 134 căn nhà Đại đoàn kết, 01 căn nhà nhân ái, 65 bình chữa cháy, 03 nồi cháo cho các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật và trẻ mồ côi, gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh với trị giá 47.369.590 triệu đồng (trong đó tại chương trình, Ban Tổ chức tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ được hơn 20 tỷ đồng).
Trong công tác chăm lo đời sống người lao động, đối với tình hình thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, qua khảo sát tại 251 doanh nghiệp trên địa bàn, mức thưởng thấp nhất là 500 ngàn đồng/người và cao nhất ở mức 118,5 triệu đồng/người (thuộc doanh nghiệp dân doanh). Tại các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 50 triệu đồng/người.
Ngoài tiền lương, tiền thưởng dịp Tết, tùy theo điều kiện, các doanh nghiệp còn có các hình thức khác hỗ trợ, chăm lo cho người lao động nhân dịp Tết truyền thống như tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ”; tặng quà cho đoàn viên, người lao động; tổ chức bữa cơm tất niên đầm ấm cho người lao động, tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng với nhiều phần quà giá trị dành cho người lao động tham gia chương trình, bố trí hợp lý thời gian nghỉ Tết để người lao động có lịch trình thích hợp, đặc biệt đối với lao động làm việc xa quê.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị, hầu hết các doanh nghiệp đều có thưởng Tết hoặc hỗ trợ thêm tháng lương thứ 13 cho người lao động. Mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn ở khu vực doanh nghiệp trung bình là 6,3 triệu đồng. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, doanh nghiệp phải cho công nhân tạm ngưng làm việc một vài ngày hoặc có doanh nghiệp sản xuất cầm chừng để người lao động có việc làm, đời sống người lao động cũng bị ảnh hưởng. Tiền lương người lao động vẫn ở mức thấp chỉ bằng với mức lương tối thiểu vùng theo quy định, cá biệt một số đơn vị còn nợ đọng tiền lương, chỉ chi trả tạm ứng một phần tiền lương cho người lao động trước dịp Tết Nguyên đán. Mức thưởng Tết vẫn còn có sự chệnh lệch khá lớn giữa các khu vực doanh nghiệp, ở các doanh nghiệp nhà nước như khối ngân hàng, điện lực, viễn thông mức thưởng khá cao, ở các lĩnh vực xây dựng, chế biến gỗ, may mặc thấp./.
 
Hồng Phượng