Lao động
Quảng Ninh: Khôi phục kinh tế, hỗ trợ người lao động sau dịch
10:21 AM 23/03/2021
Nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước khởi động lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch…Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, tạo việc làm cho người lao động.
Tại các công xưởng, nơi làm việc, công nhân luôn được kiểm tra thân nhiệt trước ca làm.
Khôi phục các hoạt động kinh tế
Trong những tháng đầu năm 2021, tỉnh Quảng Ninh là một trong những vùng dịch Covid-19 bùng phát. Nhằm đảo bảo an toàn trong phòng, chống dịch, nhiều địa phương trong tỉnh đã dừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngay sau khi dịch được kiểm soát, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng cho khôi phục lại sản xuất. 
Theo đó, ngay sau khi tỉnh cho phép đón du khách nội tỉnh trở lại, các địa phương đã lập tức triển khai nhiều biện pháp kích cầu nhằm thu hút du lịch. Điển hình như Bình Liêu, huyện đã xây dựng một chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch, xuyên suốt 4 mùa trong năm, với thế mạnh là những lễ hội văn hóa và đặc trưng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, vốn là điểm nhấn thu hút du khách của địa phương như: Hội Soóng Cọ giao duyên của dân tộc Sán Chỉ (xã Húc Động); giải leo núi chinh phục “Sống lưng khủng long Bình Liêu” (xã Hoành Mô); Hội Kiêng gió của dân tộc Dao (xã Đồng Văn); hoạt động tham quan trải nghiệm du lịch Bình Liêu mùa hoa trẩu, mùa hoa sim biên giới...
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: “ Mặc dù vẫn chịu tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Bình Liêu luôn chủ động kịch bản; cũng như các phương án đảm bảo cho hoạt động du lịch diễn ra thuận lợi, theo đúng chỉ đạo của tỉnh trong thực hiện “mục tiêu kép”. Đồng thời, đây cũng là điều kiện để giúp người lao động trên địa bàn huyện quay trở lại làm việc”…
Hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm 
Cùng với việc khôi phục các hoạt động kinh tế, du lịch, tỉnh Quảng Ninh đang chú trọng quan tâm, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm sau dịch. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm (trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh), đã đẩy mạnh phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin về thị trường lao động để người lao động có nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt.
Đồng thời, với tần suất hoạt động định kỳ 5 phiên giao dịch việc làm/tháng, tại 4 thành phố: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí; duy trì các phiên có kết nối online, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, đã thu hút trên 5.000 lượt lao động tham gia trực tiếp, 13.000 lượt truy cập online. Hoạt động này, đã giúp cho gần 9.000 lao động có được việc làm tại hơn 1.000 công ty.
Chị Hoàng Thị Ánh, huyện Bình Liêu cho biết: “Trước dịch, tôi làm phục vụ tại các khu du lịch. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bùng phát trở lai, việc làm lúc có lúc không do du khách đến với địa phương giảm hẳn. Vừa qua, tôi đã đến Trung tâm giới thiệu việc làm và xin được việc tại Công ty sản xuất bột mỳ Vimaflour”.
Để đảm bảo an toàn cho người lao động, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã hỗ trợ người lao động làm xét nghiệm Covid-19, phun khử trùng phân xưởng, văn phòng, nơi diễn ra hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với các lao động ngoại tỉnh, quay lại tỉnh làm việc cũng được các công ty bố trí xe đưa đón công nhân, tiến hành xét nghiệm bắt buộc và cách ly tự nguyện 14 ngày trước khi chính thức quay trở lại làm việc. Do vậy, tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đón hơn 31.000 lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc ổn định.
Chị Trương Thị Nhung, dân tộc Sán Dìu, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn cho biết: “Tôi làm công tác vệ sinh tại Cảng Vân Đồn. Ngay khi cảng được phép hoạt động trở lại đón khách tham quan, tôi cùng đồng nghiệp đã được công ty hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19. Trong giai đoạn này, lượng khách du lịch chưa đông, nên chúng tôi chia nhau làm việc, đảm bảo tối thiểu 50% ngày công”…
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, tận dụng tốt mọi cơ hội, khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ, vận tải, hàng không...Đồng thời, không lơ là, chủ quan, sẵn sàng các phương án phòng chống dịch, thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Nghĩa Hiệp