Xã hội
Ninh Thuận triển khai thực hiện chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
04:48 PM 09/03/2024
(LĐXH)-Năm 2024, tỉnh Ninh Thuận xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng này thông qua việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và phát triển, tăng cường khả năng đáp ứng của các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu phấn đấu đạt tối thiểu 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan cung cấp dịch vụ; 90% trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau.
Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như tỉnh đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng. Cụ thể, tổ chức các hoạt động truyền thông như: tọa đàm, hội thảo, tập huấn, đối thoại trên truyền hình, mạng xã hội, hội thi kiến thức, kỹ năng, tranh biện, giao lưu nghệ thuật, các hoạt động thể thao, văn nghệ quần chúng, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường công tác truyền thông, phòng ngừa thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, tập trung ở các khu vực miền núi, địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thấp, còn tồn tại nhiều định kiến giới; các hoạt động tuyên truyền mang tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học.
Triển khai chiến dịch truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú trong “Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”; hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”; từng cơ quan, tổ chức và địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn kể cả truyền thông trực quan tại cơ quan, đơn vị, nơi tập trung đông dân cư.
Tỉnh cũng sẽ tuyên truyền về các mô hình, các dịch vụ về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng và tại trung tâm công tác xã hội, cơ sở khám chữa bệnh,… để người dân biết, sử dụng. Cung cấp các tài liệu, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là cần thiết
Trong thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, năm 2024, Ninh Thuận tiếp tục duy trì, mở rộng các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và nhân rộng, nâng cao chất lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời thực hiện thí điểm các mô hình hỗ trợ sinh kế và tự chủ về mặt tài chính cho các nhóm đối tượng phù hợp với tình hình thực tế.
Cụ thể, đối với các mô hình đã được hình thành tại cộng đồng như: mô hình địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh ở cộng đồng; mô hình trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực và các mô hình liên quan đang được triển khai, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể tại địa phương tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả của các mô hình để có phương án hỗ trợ hoạt động và mở rộng phạm vi theo hướng tăng đối tượng tham gia, tăng lợi ích của các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn sàng hỗ trợ các nhóm đối tượng liên quan khi có nhu cầu được trợ giúp. Tăng cường các hình thức tuyên truyền về mô hình để người dân biết và sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu. Nhân rộng ra các địa bàn khác và đồng thời tổ chức các hoạt động tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương triển khai mô hình. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên nòng cốt.
Đối với các mô hình thí điểm mới như Mô hình phòng, chống quấy rối tình dục tại doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động sẽ chủ trì, phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, Sở Công Thương, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các cơ quan liên quan để nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình.
Hay như Mô hình thành phố/làng quê an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em; Mô hình nam giới tiên phong trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; mô hình Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật,.. tỉnh chỉ đạo các cơ quan, địa phương khảo sát, lựa chọn mô hình phù hợp để triển khai ở địa phương; xây dựng và triển khai mô hình theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chủ trì triển khai mô hình.
Bên cạnh những giải pháp trên, tỉnh sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên phụ trách lĩnh vực liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới thông qua việc tổ chức các khóa tập huấn kiến thức, kỹ năng liên quan như kiến thức chung về phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ, công chức làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; Kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, cộng tác viên tham gia triển khai các mô hình liên quan tại địa phương; Kiến thức, kỹ năng dành cho người cung cấp dịch vụ; Kiến thức, kỹ năng dành cho người bị bạo lực/người có nguy cơ bị bạo lực và người gây bạo lực/người có nguy cơ gây bạo lực.
Ngoài ra, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên phụ trách về lĩnh vực bình đẳng giới cũng được thực hiện thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại chính sách, nói chuyện chuyên đề, tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cũng là giải pháp được tỉnh Ninh Thuận chú trọng trong năm 2024. Tỉnh sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới định kỳ hoặc đột xuất với sự tham gia của đại diện các ngành như Công an, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động,...
Lồng ghép công tác kiểm tra về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn có liên quan của các ngành tại địa phương.
Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh khi có thông tin về vụ việc bạo lực trên cơ sở giới xảy ra trong phạm vi cơ quan, tổ chức, địa phương và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền liên quan xử lý vi phạm pháp luật đối với người gây bạo lực và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.
UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị có liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch./.
Mỹ Hằng