Lao động
Nhân Tháng hành động về ATVSLĐ: Thúc đẩy ATVSLĐ để phòng ngừa TNLĐ và BNN
03:19 PM 05/05/2017
(LĐXH) - Kể từ năm 2017, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được Chính phủ quyết định thực hiện vào tháng 5 hằng năm. Chủ đề của năm 2017 là “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN) được tổ chức trong cả nước. Lễ phát động hưởng ứng cấp Quốc gia được tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 6-5. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Chương trình lễ phát động hưởng ứng được tổ chức sáng nay (5-5) tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh.

Kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ-PCCN năm 2016 tại công ty CP Thiết bị điện Đồng Nai

Nỗi ám ảnh mang tên TNLĐ
Cho đến nay, Nguyễn Ngọc Hạnh, phường An Bình (TP. Biên Hòa) vẫn còn bị ám ảnh sau TNLĐ xảy ra hơn 3 năm qua. Dù đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa, nối lại cho anh cánh tay trái bị đứt lìa nhưng cánh tay này không còn hoạt động. Hạnh kể trong nỗi ám ảnh, vào cuối năm 2013 trong lúc đang xúc đất rơi dưới nền xưởng đổ lên băng chuyền để nghiền nát thì bất ngờ tay áo của Hạnh bị cuốn vào tua bin. Cánh tay trái bị đứt lìa làm đôi, Hạnh được công ty Gạch men Thanh Thanh đưa đi cấp cứu kịp thời, được các bác sỹ giúp nối lại cánh tay nhưng hầu như đến nay cánh tay bị liệt hẳn không hoạt động. Cuộc sống của Hạnh hơn 3 năm nay là ở nhà phụ vợ những việc vặt và chịu đựng những cơn đau âm ỉ mỗi khi trái gió, trở trời.
Ông Đào Công Danh, công nhân công ty TNHH Vina Buhmwoo (Nhơn Trạch) bị tai nạn phỏng lửa độ 2 trong quá trình làm việc, với thương tật 25% ở mặt bàn tay trái và 2 chân đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Sau tai nạn, ông Danh được bố trí làm việc trở lại phù hợp với sức khỏe và khả năng lao động của mình nên cũng bớt đi phần nào gánh nặng. Kể lại hành trình này, ông nói: “So với nhiều trường hợp bị TNLĐ khác thì tôi còn may mắn hơn nhiều, còn được sống, được bố trí công việc trở lại. Nhờ vậy, tôi không trở thành gánh nặng của gia đình, có cơ hội cùng vợ làm việc nuôi con ăn học. Đây chính là bài học để cá nhân tôi cùng nhiều lao động khác phải luôn ý thức rõ TNLĐ không chừa một ai, phải cẩn trọng trong quá trình làm việc”.
Đã hơn 1 tháng sau ngày chồng bị TNLĐ qua đời, chị Võ Thị Dương, vợ của nạn nhân Nguyễn Văn Giác, công nhân công ty CP vật liệu xây dựng Thế giới nhà vẫn chưa hết bàng hoàng. Chia sẻ trong nước mắt, chị Dương nói: “Cái buổi chiều ám ảnh 22-3 ấy sẽ không bao giờ làm tôi vơi đi. Chỉ trong tích tắc, TNLĐ đã cướp đi mạng sống của chồng tôi anh Nguyễn Văn Giác. Thế là con tôi sinh ra không biết mặt cha! những bữa cơm chiều luôn thiếu vắng người trụ cột, không bao giờ còn được chung mâm nữa”.....
Đoàn kiểm tra liên ngành về Công tác ATLĐ tại Cty CP Thiết bị điện Đồng Nai
Tiếp tục đưa luật vào thực tiễn
Phó giám đốc sở LĐ-TBXH Đồng Nai Phạm Văn Cộng, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh cho biết, với mục đích thúc đẩy công tác ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, BNN xảy ra trong quá trình sản xuất, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động, tháng hành động có nhiều hoạt động thiết thực hướng về cơ sở nhằm đưa Luật ATVSLĐ và các quy định của pháp luật vào thực tiễn, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động và người sử dụng lao động tăng cường công tác phòng ngừa, hạn chế mất an toàn, TNLĐ xảy ra. “Thực tế cho thấy, gần 60% các vụ TNLĐ đều có nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động như: không xây dựng các quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện hoặc huấn luyện ATVSLĐ chưa đầy đủ, thiết bị không đảm bảo an toàn, tổ chức lao động sản xuất chưa hợp lý, không cấp phát phương tiện bảo hộ cá nhân hoặc cấp phát nhưng không đúng tiêu chuẩn chất lượng”, ông Cộng nói.
Cũng theo ông Cộng, để thực hiện tốt mục đích đề ra và chủ đề của tháng hành động ATVSLĐ năm nay, UBND đã có Kế hoạch số 364 ngày 12-1-2017 về xây dựng chương trình thực hiện công tác ATVSLĐ trên địa bàn. Theo kế hoạch, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh căn cứ để tùy vào điều kiện thực tế của đơn vị mình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Các cơ quan thông tin đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc nhằm phòng ngừa, hạn chế TNLĐ, BNN, nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người lao động trong quá trình sản xuất và hạnh phúc của mỗi người.
Ông Cộng cho biết thêm, một hoạt động điểm nhấn trong tháng hành động về ATVSLĐ là UBND tỉnh có quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành do các sở: LĐ-TBXH, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Công thương và Bộ CHQS tỉnh làm trưởng đoàn sẽ tiến hành kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Luật ATVSLĐ tại 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và sau tháng hành động. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn sẽ lưu ý các nội dung chấp hành pháp luật về ATVSLĐ và công tác báo cáo định kỳ về TNLĐ về cơ quan quản lý lao động địa phương hoặc Ban Quản lý các khu công nghiệp trong tỉnh theo quy định.
Trong lễ phát động hưởng ứng tháng hành động vì ATVSLĐ sáng nay, 9 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Nhiều tập thể, cá nhân được sở LĐ-TBXH tặng Giấy khen.
Theo báo cáo của sở LĐ-TBXH, năm 2016 có 686/25.641 doanh nghiệp báo cáo TNLĐ, toàn tỉnh đã xảy ra 1.283 vụ, làm 1.287 người bị nạn, trong đó có 33 vụ TNLĐ chết người làm 33 người tử vong. Thiệt hại về vật chất trên 12 tỷ đồng; so với năm 2015 thì giảm 42,5% số vụ và 42,3% về người bị nạn nhưng tăng 6,45% số người chết. Phân tích nguyên nhân cho thấy có 59% do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ về ATVSLĐ....Đồng Nai vẫn là 1 trong 10 tỉnh thành có số vụ TNLĐ chết người nhiều nhất (tính cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng)....
                                                                         Nguyệt Hà