Lao động
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn với công tác giải quyết việc làm bền vững
06:19 PM 19/01/2021
(LĐXH) - Thống kê của Bộ Lao động - TBXH, trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Ước tuyển sinh 5 năm đạt khoảng 11,1 triệu người; giải quyết việc làm cho gần 8 triệu người, đạt mục tiêu đề ra.
Công tác đào tạo nghề được quan tâm chú trọng
 Bộ Lao động - TBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Công nhận ngày 04/10 hằng năm là ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Tiếp tục triển khai đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Đức, Úc. Triển khai đào tạo liên thông chất lượng cao từ trung cấp lên cao đẳng đối với đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở, góp phần đẩy mạnh phân luồng và nâng cao chất lượng tuyển sinh.
Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kết quả năm 2020, cả nước tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch; trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng khoảng 580 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,7 triệu người. Tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người, trong đó: tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp khoảng 510 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,68 triệu người. Rà soát, sắp xếp mạng lưới  cơ sở GDNN theo lộ trình, đến nay cả nước có 1.911 cơ sở GDNN (408 trường cao đẳng, 446 trường trung cấp và 1.057 trung tâm GDNN), trong đó cơ sở tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 35,8%.
Ước tuyển sinh 5 năm đạt khoảng 11,1 triệu người, trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 2,47 triệu người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 8,63 triệu người. Ước tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 10,2 triệu người; trong đó: Tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp khoảng 1,99 triệu người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 8,21 triệu người. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ước cả năm 2020, giải quyết việc làm khoảng 1,348 triệu người, đạt 83,8% kế hoạch
Cùng với đó, thể chế thị trường lao động tiếp tục được hoàn thiện, phát triển nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thị trường lao động từ đầu năm đến hết quý III có nhiều biến động, lực lượng lao động có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây; tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương giảm. Bước sang quý IV/2020, thị trường lao động phục hồi, nhiều lĩnh vực có tín hiệu tốt, các ngành, nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, lao động bị ngừng việc đã trở lại thị trường.
Trong bối cảnh đó, Bộ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động; theo dõi chặt chẽ, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm và các chính sách, giải pháp về hỗ trợ tạo việc làm tiếp tục được triển khai đồng bộ. Riêng nguồn Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 143.688 dự án với doanh số cho vay là 6.440,441 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 202.447 người lao động.
Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng hơn 26.000 lao động Việt Nam ở nước ngoài phải về nước do dịch Covid-19 nhưng chưa thể về nước do không có chuyến bay.
Ước cả năm 2020, giải quyết việc làm khoảng 1,348 triệu người, đạt 83,8% kế hoạch và bằng 81,2% so với thực hiện năm 2019; trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 1,27 triệu người; đưa trên 78 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tính chung cả năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,61% (đạt mục tiêu); tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 dự kiến đạt 64,5%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5% (riêng tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo có bằng, chứng chỉ dự kiến đạt 26,5%).
5 năm giải quyết việc làm gần 8 triệu người, đạt mục tiêu đề ra; trong đó: giải quyết việc làm trong nước trên 7,3 triệu người; đưa trên 634 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt chỉ tiêu 27%, về đích kế hoạch 5 năm trước 1 năm); hiện có gần 550 nghìn người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị luôn duy trì ở mức dưới 4%; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020./.
Hồng Phượng