Giáo dục - Nghề nghiệp
Nam Định: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn
10:44 AM 29/11/2023
(LĐXH) - Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã và đang ngày càng chú trọng trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn đào tạo nghề nông thôn. Qua đó, tạo điều kiện để người dân hiểu, tiếp cận và tạo động lực cho người lao động có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, mức sống của người dân. Đồng thời, thúc đẩy các địa phương từng bước hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân cũng như cán bộ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đã phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tư vấn, học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau như: Phối hợp với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC12, Đài truyền hình VTV1, Báo Đời sống và Pháp luật, Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Công Thương, Báo kinh tế nông thôn, Tạp chí văn hóa doanh nhân, Tạp chí Vietnam Business Forum,  Tạp chí doanh nhân - VCCI, Đài Phát thanh truyền hình, Báo Nam Định, Đài phát thanh các huyện, các xã, phường, thị trấn… đẩy mạnh truyên truyền về công tác dạy nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cũng như tổ chức các hội nghị tuyên truyền lồng ghép với việc hướng dẫn, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ.
Trồng nấm rơm tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn
Cùng với đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị có liên quan phát hành Bản tin Việc làm - Dạy nghề với số lượng hơn 9.000 cuốn và in ấn hơn 2.000 cuốn “Hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định”, trên 200.000 tờ rơi được cấp phát xuống tận các xã, phường, thị trấn phổ biến các chế độ, chính sách khi tham gia học nghề tại các khu vực nông thôn giúp người dân hiểu và chủ động tham gia.
Tại cấp cơ sở, UBND các huyện, thành phố tổ chức hội nghị với sự giám sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về các mặt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tính đến thời điểm này, các địa phương đã tổ chức được trên 100 Hội nghị, hội thảo về đào tạo nghề cho lao động nông thôn với gần 4.000 đại biểu là lãnh đạo cấp huyện, xã phường, thị trấn…
Theo đánh giá, ngành Lao động -Thương binh và Xã hội Nam Định đã và đang ngày càng nỗ lực trong việc triển khai, thực hiện và tham mưu công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhất là lao động trong khu vực nông thôn. Song song với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp giải quyết việc làm sau học nghề như: quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo thêm việc làm cho người lao động. Đặc biệt, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới về cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao chất lượng và năng suất; quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn đến người tiêu dùng; xây dựng mô hình kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị... 
Nghề mộc giúp là mộ trong những nghề có thu nhập cao lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định
Để hoàn thành tốt những công tác này, nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn; tổ chức khảo sát nhu cầu lao đăng ký học nghề của người lao động, cũng như như cầu đáp ứng nguồn lao động doanh nghiệp. Đặc biệt, trong những năm gần đây Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định mở rộng liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp để tận dụng triệt để các trang thiết bị hiện đại và vật tư của doanh nghiệp; đồng thời, tổ chức cho học sinh đi thực tập sản xuất ngay tại các doanh nghiệp như: Công ty Enter B Ninh Bình, công ty Enter B Nam Định, Công ty CP Kỹ thuật SICMA, công ty CP Kỹ thuật LME, công ty CP Kỹ thuật Thăng Tiễn… Bên cạnh đó, trường có kế hoạch thực hiện công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn thôn, trong đó ưu tiên một số nghề là thế mạnh của mỗi địa phương, như làng tơ Cổ Chất nằm tại xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Làng nghề cây cảnh Vị Khê, xã Vị Xá, huyện Trực Nam, hay làng nghề đúc đồng nổi danh đã có tuổi đời hơn 900 năm của xã Yên Xá, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, Làng nghề nước mắm Sa Châu huyện Giao Thuỷ…
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác đào tạo nghề nông thôn./.
Nguyễn Hoàng