Giáo dục - Nghề nghiệp
Nam Định: Một số khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người nghèo, lao động có thu nhập thấp
09:41 AM 10/11/2022
(LĐXH) – Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn còn một số khó khăn nhất đinh.
Nhờ sự tích cực phối hợp triển khai của các cấp, ngành, địa phương, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định đã thu được kết quả tích cực. Đến nay các cơ sở GDNN đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đang tiến hành đào tạo đạt 100% kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn (1.730 người). Đối với đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp, đã tuyển sinh và đang tiến hành đào tạo được 11 lớp (384 người) với tổng kinh phí là 1,4 tỷ đồng đạt 20% (tổng kinh phí đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp năm 2022 là gần 6,9 tỷ đồng).

Nghề nuôi cá lồng ở Nam Định

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như: Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH chậm ban hành (Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về GDNN và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 46/2022/ TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025). Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Nguồn kinh phí phân bổ muộn (Quyết định số 1400/QĐ-UBND ngày 04/8/2022, Quyết định số 1705/QĐ-UBND ngày 14/9/2022, Quyết định số 1356/QĐ-UBND ngày 29/7/2022), trong khi một khóa học phải dạy từ 2 đến 3 tháng, thời gian kết thúc lại trước 31/12/2022; do vậy, dẫn đến công tác tuyển sinh và đào tạo gặp nhiều khó khăn do không đủ thời gian để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có hướng dẫn tiêu chí để xác định người lao động có thu nhập thấp và mức hỗ trợ đào tạo cho lao động thuộc hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp; do vậy, các địa phương không có căn cứ để tuyển sinh. Công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp khó thực hiện, do đối tượng này chủ yếu là những người đã quá tuổi lao động (không nằm trong độ tuổi của chính sách dạy nghề nữ từ 15-55, nam từ 15-60) và sức khỏe yếu; các đối tượng rải rác ở các xã, thị trấn khó tập trung để tổ chức được 1 lớp học; thời gian tuyển sinh ngắn, công tác tuyển sinh khó khăn không thể đảm bảo thời gian đào tạo trong năm 2022; Các Trung tâm GDNN – GDTX (giáo dục thường xuyên) trực thuộc UBND các huyện, thành phố chưa đa dạng về nghề đào tạo nguyên nhân do thiếu về cơ sở vật chất, giáo viên đặc biệt là nhóm nghề nông nghiệp.


Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên, Nam Định)

Trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; tuyên truyền đến người lao động nông thôn về chính sách ưu đãi của Nhà nước trong công tác đào tạo nghề, gắn với cơ hội giải quyết việc làm, nhằm xoá đói giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo các cơ sở GDNN nhất là đối với các Trung tâm GDNN - GDTX các huyện, thành phố chủ động sáng tạo trong công tác tuyển sinh, biên soạn, chỉnh sửa lại chương trình, giáo trình để đáp ứng nhu cầu của người học nghề; Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao đã làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm trở thành nhà giáo GDNN, đào tạo đa dạng về nghề; Tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng GDNN cho các cơ sở; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện, giải quyết việc làm và thu nhập của người lao động sau đào tạo nghề... Để công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp đạt hiệu quả cao. Qua đó, trang bị các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để người lao động áp dụng vào quá trình làm việc, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống./.
Hưng Cảnh