Giáo dục - Nghề nghiệp
Nam Định: Chú trọng đào tạo nghề gắn liền với tạo việc làm cho lao động nông thôn
11:45 AM 28/11/2023
(LĐXH) - Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Nam Định đã và đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động tại các vùng nông thôn nhằm thực hiện mục tiêu giúp người lao động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nắm vững khoa học kỹ thuật để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tìm được việc làm phù hợp, đem lại thu nhập cao hơn...
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và địa phương để thúc đẩy hoạt động tuyên truyền về dạy nghề cho lao động nông thôn và khảo sát về nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu sử dụng lao động thực tế của các doanh nghiệp. 
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chủ động triển khai và hướng dẫn điều tra, khảo sát, dự báo và thống kê nhu cầu và xây dựng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện và báo cáo về Sở. Theo kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, có 108.150 người có nhu cầu học nghề, trong đó: nhu cầu học nhóm ngành nghề Nông lâm lâm nghiệp  là 4.200 người; ngành ngư nghiệp là 1.600 người; ngành tiểu thủ công nghiệp là 25.000 người; ngành công nghiệp là 35.000 người; ngành dịch vụ 3.800 người…
Mô hình dạy nghề đan giỏ cho lao động nông thôn là giải pháp tự tạo việc làm và giảm nghèo có hiệu quả
Đây là căn cứ giúp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành danh mục nghề cần đào tạo, định mức chi phí đào tạo phù hợp cho từng nghề và và phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho từng năm và từng giai đoạn. 
Tại Nam Định, mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông, nhà trường, nhà doanh nghiệp) trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tích cực, phát huy hiệu quả và khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề.
Được biết, để thực hiện tốt công tác này, trong giảng dạy, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng gắn việc học lý thuyết với thực hành nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho người học làm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường chủ động liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để đưa lao động vào thực hành và làm việc như: đưa lao động học may công nghiệp, đan mây tre vào làm tại doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Cao Cường, xã Trực Tuấn (Trực Ninh); lao động học nghề hàn làm việc tại doanh nghiệp Hoàng Hiệp, CCN Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); lao động học may công nghiệp và dệt tiểu thủ công nghiệp làm việc tại Cty CP Dệt may Vĩnh Giang ở Thị trấn Cổ Lễ, Cty TNHH May Thành Trung, xã Trực Nội (Trực Ninh)…
Nhờ có nguồn lao động có tay nghề, doanh nghiệp luôn ổn định sản xuất, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên, ổn định cho lao động địa phương. 
Học viên học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Giao Thủy
Theo khảo sát, nguồn lao động sau đào tạo đã tìm được việc làm mới hoặc nâng cao tay nghề so với việc làm cũ, năng suất, hiệu quả hơn đạt trên 85%. Người lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách sau khi qua đào tạo nghề đã có việc làm giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Từng bước nỗ lực xây dựng lực lượng lao động chuyên nghiệp, lành nghề, đáp ứng kịp thời với sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới./.
Nguyễn Hoàng