Xã hội
Mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội để “Không ai bị bỏ lại phía sau”
03:37 PM 28/03/2017
LĐXH - Ngày 28/3/2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “An sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững và tương lai tươi sáng cho mọi người”. Đây là một trong 4 tiểu chủ đề của Đối thoại chính sách cấp cao trong các nền kinh tế APEC, sẽ diễn ra từ ngày 14 -15/5 tại Hà Nội.

Theo bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nằm trong danh mục các hoạt động tổ chức tại Việt Nam trong Năm APEC, Đối thoại chính sách sẽ được chia làm 4 chủ đề: Tương lai việc làm trong kỷ nguyên số và tự động hóa; Các yêu cầu về giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mới; Tác động của kỷ nguyên số tới thị trường lao động; Những khía cạnh về an sinh xã hội. Việc tổ chức Hội thảo này nhằm nhận dạng các vấn đề về an sinh xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và kỷ nguyên số, đồng thời tìm hiểu tác động của quá trình trên đến an sinh xã hội đối với một số nhóm đối tượng đặc thù trong các nước thành viên APEC và xác định các can thiệp cần thiết.

Bà Lê Kim Dung khai mạc hội thảo

Phát biểu đề dẫn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Lưu Quang Tuấn cho biết, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 42 nước và 03 vùng lãnh thổ hiện đang có 4,1 tỉ người (chiếm 56% dân số trên thế giới) trong đó có 2,8  tỷ người trong độ tuổi lao động tạo một tiền đề để tăng trưởng kinh tế tốt. Tuy nhiên, khu vực này có nhóm dân số dễ bị tổn thương chiếm số lượng lớn như 986 triệu trẻ em, 667 triệu thanh niên, 489 triệu người cao tuổi, 650 triệu người khuyết tật, 59 triệu người di cư...

Trong vài thập kỉ qua, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khá cao, tạo động lực mạnh về gia tăng nguồn lực cho an sinh xã hội... Tuy vậy, thực tế, người dân vẫn chưa đạt được an sinh xã hội bao phủ toàn dân: có trên 85 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, khoảng 18 triệu trẻ em độ tuổi tiểu học không được đến trường; gần 20 triệu trẻ sinh ra không có sự trợ giúp của nhân viên y tế; trên 1 tỉ người lao động làm việc các công việc dễ bị tổn thương (lương thấp, ít chế độ phúc lợi, an ninh việc làm kém); chỉ 30% người cao tuổi có lương hưu trí; chỉ 20% lực lượng lao động tham gia chế độ bảo hiểm hưu trí, 80% dân số chưa được chăm sóc y tế đầy đủ, người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương chưa được hưởng lợi nhiều từ hệ thống an sinh xã hội quốc gia, nữ được hưởng lợi ít hơn nam.

 Ngoài ra, dưới tác động của cuộc cách mạng tự động hoá và số hoá, người lao động làm việc trong một số ngành đối mặt với nguy cơ mất việc làm do tự động hoá như trong ngành công nghiệp ô tô tại thị trường Indonesia, Thái Lan; ngành điện tử, may mặc và giày dép tại thị trường Việt Nam... Người lao động ở các nước thu nhập cao trong khối APEC như Hoa Kỳ cũng đang đối mặt với thách thức của tự động hoá theo hướng làm rộng khoảng cách giữa “việc làm tốt và việc làm tệ”.

 Trước các vấn đề đặt ra, các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã cùng thảo luận về mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội cho mọi người hướng tới phát triển bền vững và tương lai tươi sáng; tăng cường an sinh xã hội đối với các nhóm đặc thù để từ đó đưa ra định hướng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Người di cư và gia đình họ là một trong những nhóm đặc thù cần được bảo đảm an sinh

Tại hội thảo, 8 khuyến nghị đã được đưa ra: Cần có thỏa thuận để đảm bảo các quyền an sinh xã hội được thể hiện trong hiến pháp của các quốc gia và các khung khổ hội nhập khu vực theo hướng tiếp cận dựa trên quyền; Các quốc gia cần cam kết trong việc đảm bảo thực hiện 4 cấu phần cơ bản của sàn an sinh là lương thực, chăm sóc y tế, giáo dục và nhà ở; Đảm bảo các chế độ an sinh xã hội phản ứng kịp thời với sự biến đổi nhân khẩu học, tác động của tự động hóa và thảm họa thiên nhiên; Các chế độ an sinh xã hội phải được thiết kế theo hướng thừa nhận người khuyết tật là một lực lượng kinh tế; Không tạo ra tính ỷ lại đối với người dân; Thúc đẩy việc làm bền vững thông qua các chương trình thị trường lao động để hỗ trợ di chuyển lao động và tăng cường tính khả dụng việc làm; Thúc đẩy đối thoại xã hội để phát triển và mở rộng các hỗ trợ công; Đảm bảo sự tham gia của các đại diện từ khu vực tư nhân, tổ chức xã hội và các viện nghiên cứu vào quá trình liên quan đến xây dựng và tổ chức thực hiện an sinh xã hội.

Đăng Doanh