Lao động
Lao động có việc làm ở khu vực thành thị tăng 762 nghìn người
10:21 AM 05/08/2022
(LĐXH)- Nhờ thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, tăng 762 nghìn người; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị là 2,93%, giảm 0,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 4/8, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin về kết quả hoạt động lĩnh vực lao động, người có công và xã hội những tháng đầu năm 2022. Theo đó, thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2022 đạt 51,4 triệu người, cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm là 68,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm là 50,3 triệu người, tăng 417,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, tăng 762,0 nghìn người. Lao động nam là 26,7 triệu người, chiếm 53,1% tổng số lao động. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị là 2,93%, giảm 0,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ước đạt 66,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%.

Lao động có việc làm ở khu vực thành thị đạt 18,6 triệu người

Để đạt được những kế quả trên, ông Phạm Quang Phụng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết tại hội nghị giao ban tháng 8 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội: Về lĩnh vực lao động, việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung cho các hoạt động hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm. Theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, các phiên giao dịch việc làm, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và đã mang lại hiệu quả tích cực.
“Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động ngoài nước, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động; kịp thời nắm bắt các thông tin về tình hình dịch Covid-19, chính sách, quy định mới về tiếp nhận lao động đối phó với tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại các nước; hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo các quy định về phòng chống dịch của nước sở tại. Kết quả, trong 7 tháng đầu năm 2022 cả nước đã đưa 81.429 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 90,8% mục tiêu kế hoạch năm, trong đó có 29.990 lao động nữ” - Vụ trưởng Phạm Quang Phụng, báo cáo.
Thực hiện các chính sách về lao động, việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động; xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý những tranh chấp lao động. Tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động; cải thiện về điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, góp phần chăm sóc sức khỏe người lao động; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người lao động, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
Tổ chức đối thoại định kỳ năm 2022 của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động tại Hà Nội. Qua đối thoại có rất nhiều ý kiến được trao đổi, giải đáp, nhiều chính sách được chỉnh sửa, ban hành; qua đó đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động.
Cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tính đến tháng 7 năm 2022 cả nước có 111.196 lao động nước ngoài đang làm việc, trong đó: số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 102.523 (chiếm 92,2%), đã cấp mới giấy phép lao động cho 75.500 người và gia hạn cho 11.450 lao động, cấp lại cho 8.878 người...
Qua đánh giá, các chỉ tiêu về lĩnh vực lao động, việc làm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Về cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định, có thiếu cục bộ nhưng không nhiều. Bởi lẽ, người lao động có quyền lựa chọn môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập tốt hơn. Lực lượng lao động có điều chỉnh, trở về làm việc ở quê hương nhiều hơn, gắn với gia đình.

Chí Tâm