Xã hội
Kon Tum kéo giảm tai nạn thương tích ở trẻ em
03:44 PM 12/10/2021
(LĐXH)- Với đặc thù là tỉnh miền núi, Kon Tum có địa hình phức tạp, nhiều dốc núi hiểm trở và sông suối, lại chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ gây ra… Do đó, tình hình tai nại thương tích trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên xảy ra.
Trước thực tế đó, những năm gần đây, các cấp, các ngành, địa phương tỉnh Kon Tum đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế và kéo giảm tai nạn thương tích ở trẻ em. Trong đó, nhà trường và gia đình đã quan tâm, chú trọng hơn đến các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích, lành mạnh cho trẻ em; tạo mọi điều kiện để các em được tiếp cận, học tập những kỹ năng phòng, chống đuối nước; phòng, chống tai nạn thương tích...
Đặc biệt, nhằm kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông nhằm bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ em, ngày 12/10/2021, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch, đến năm 2025, Kon Tum đặt mục tiêu giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 510/100.000 trẻ em và 500/100.000 trẻ em vào năm 2030. Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 16/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 15/100.000 trẻ em vào năm 2030.

Trẻ em thường tắm ở các ao, hồ, sông, suối rất dễ dẫn đến tai nạn đuối nước (ảnh minh họa)

Hằng năm, tỉnh giảm từ 5 - 10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. Giảm số trẻ em bị tử vong do đuối nước 10% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030.
Tỉnh sẽ xây dựng thí điểm 500 Ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí ngôi nhà an toàn vào năm 2025 và 800 ngôi nhà vào năm 2030; 300/394 Trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn vào năm 2025 và 320/394 trường học vào năm 2030; 04 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vào năm 2025 và 06 xã, phường, thị trấn vào năm 2030.
Về mục tiêu truyền thông, Kon Tum phấn đấu có 90% trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước đạt 60% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn đạt 50% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030. Trẻ em sử dụng áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030.
Đối với mục tiêu đào tạo, tập huấn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, tỉnh có 100% công chức, viên chức, cán bộ cấp tỉnh, huyện làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. 70% cán bộ cấp xã, công chức, viên chức, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em năm 2025 và 90% vào năm 2030…
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kon Tum chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Chương trình; triển khai xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Tăng cường thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kon Tum chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; triển khai tư vấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác trẻ em các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan...
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu UBND các huyện, thành phố cứ tình hình thực tế của địa phương xây dựng môi trường an toàn, thực hiện các giải pháp kiểm soát, giảm tai nạn, thương tích trẻ em. Hướng dẫn giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là kỹ năng an toàn trong môi trường nước và bơi an toàn cho trẻ em. Thí điểm và nhân rộng các mô hình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Đồng thời, chủ đông cân đối, bố trí ngân sách, nguồn lực hoặc lồng ghép kinh phí các chương trình, đề án có liên quan trên địa bàn; vận động tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để thực hiện mục tiêu đề ra.

Chí Tâm