Xã hội
Kon Tum: Huy động mọi nguồn lực trợ giúp người khuyết tật
10:29 AM 15/10/2021
(LĐXH) - Toàn tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 6.195 người khuyết tật (NKT), trong đó, 5.025 NKT tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (980 đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng, 4.045 trường hợp khuyết tật nặng, khuyết tật nhẹ 1.170 người); 1.053 hộ gia đình hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc và nhận nuôi dưỡng NKT… Đa số NKT đều sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng xã hội, bản thân họ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống.
Để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK), phục hồi chức năng (PHCN) đối với người bệnh và người khuyết tật (NKT) theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản quy phạm phát luật như Kế hoạch số 125-KH/TU ngày 05-3-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01-11- 2019 của Ban Bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Kế hoạch 4758/KH-UBND về Chương trình trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030…
Cùng với đó, tỉnh luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao - du lịch, thông tin -  truyền thông, tư pháp, giao thông tiếp cận, bảo trợ xã hội đối với NKT trên địa bàn. Điển hình là ký kết hợp đồng trách nhiệm với Báo Kon Tum; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện tuyên truyền các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như vai trò, trách nhiệm của cộng đồng và toàn xã hội đối với người khuyết tật và các hoạt động; treo băng rôn tuyên truyền nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4) và Quốc tế người khuyết tật (03/12); tổ chức nói chuyện chuyên đề về kiến thức, kỹ năng và chính sách liên quan đến người khuyết tật ; phát hành 12.500 tờ gấp truyền thông về Đề án trợ giúp người khuyết tật. Tổ chức in ấn 400 tờ áp phích, 300 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về PHCN cho trẻ bại não, cấp phát cho cán bộ y tế trường học, gia đình người khuyết tật và trạm y tế xã thuộc huyện Kon Plông, Ia H'Drai Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô. Tổ chức tuyên truyền trên sóng Truyền thanh - Truyền hình; tuyên truyền trên xe loa lưu động, trên pano, băng rôn và qua các hội nghị tuyên truyền từ thành phố đến cơ sở được 577 buổi, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Đặt 11 bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn; cấp phát miễn phí 184 cuốn sách hỏi đáp pháp luật về người khuyết tật…
Trao tặng xe lăn cho NKT tỉnh Kon Tum
Tính đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành triển khai chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tại 10/10 huyện, thành phố; Thiết lập được mạng lưới cộng tác viên PHCN tại các xã, các huyện triển khai Đề án. Mỗi cộng tác viên y tế thôn, làng được tập huấn các kiến thức, kỹ năng cơ bản để thực hiện nhiệm vụ phát hiện sớm, quản lý và hướng dẫn, trợ giúp người khuyết tật PHCN tại cộng đồng. Kết quả có 181 trẻ khuyết tật được can thiệp sớm. Tổ chức khám sàng lọc cho 2.117 lượt NKT; phẫu thuật chỉnh hình cho 316 lượt người; PHCN tại nhà và tại Bệnh viện cho 554 lượt NKT
Cùng với đó, 100% học sinh khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang học trong các trường công lập được giảm hoặc miễn học phí và các khoản đóng góp khác tùy vào đối tượng; những học sinh vượt khó học khá, giỏi được xét các cấp học bổng; đào tạo nghề May dân dụng cho 20 lao động khuyết tật, trong đó tốt nghiệp 17 người (16 nữ, 01 nam), trong đó có 06 người có việc làm. Tổ chức Ngày hội việc làm dành cho người khuyết tật cho 127 NKT, có 21 người khuyết tật được nhận vào học nghề, tạo việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tổ chức 02 lớp học văn hóa cho 19 em khuyết tật, 01 lớp đào tạo nghề (làm chổi, thêu tranh, làm hoa voan) cho 08 người khuyết tật…
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu có khoảng 80% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 50 trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp; 70% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; 100 NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; 90% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định. 80% công trình xây mới và 30% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; bến xe; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư xây mới bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. 30% NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; được miễn hoặc giảm giá vé, giá dịch vụ khi NKT đặc biệt nặng, NKT nặng tham gia giao thông; 25% NKT được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; 90% NKT có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; 100 % cán bộ làm công tác trợ giúp NKT được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ NKT; 30% gia đình có NKT được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho NKT; 20% NKT được tập huấn các kỹ năng sống; 80% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau…Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiến hành rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật NKT, các Luật liên quan và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trợ giúp NKT trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, trợ giúp pháp lý và công nghệ thông tin và truyền thông... bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và các cam kết quốc tế.
Hai là, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 125-KH/TU ngày 05-32020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định số 665/QĐ-UBND ngày 15/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp NKT, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp NKT. Nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo, giúp đỡ NKT và các tổ chức của NKT; vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho cuộc sống NKT, hỗ trợ sinh kế…; Tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ phối hợp giữa các tổ chức của NKT với các tổ chức trong và ngoài tỉnh nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nâng cao hiệu quả hoạt động. Triển khai hệ thống nhân viên công tác xã hội trong ngành Y tế; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực, thực hiện các hoạt động trợ giúp NKT khi sử dụng các dịch vụ y tế; nâng cao năng lực quản lý, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trợ giúp NKT trong y tế, giáo dục và xã hội.
Ba là, lồng ghép các chỉ tiêu liên quan đến NKT trong hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội có tính đến NKT. Đề cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc trợ giúp NKT. Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch, huy động, phân bổ nguồn lực, rà soát thống kê quản lý dữ liệu, báo cáo, giám sát, đánh giá. Lập kế hoạch trợ giúp NKT của địa phương; huy động bổ sung nguồn lực và chủ động phân bổ cho cấp xã; hướng dẫn và giám sát thực hiện của cấp xã, điều tra, thống kê và báo cáo với tỉnh số NKT của địa phương. Tăng cường kêu gọi, vận động các tổ chức quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để trợ giúp cho NKT.
 Khánh Quyên