Giáo dục - Nghề nghiệp
Huyện Yên Dũng: Tích cực triển khai đào tạo nghề cho người nghèo, người lao động có thu nhập thấp
06:47 PM 14/11/2022
(LĐXH) – Huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đang tích cực triển khai đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động có thu nhập thấp… nhằm hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề, trình độ và các kiến thức khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Vy - Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Yên Dũng cho biết: Triển khai thực hiện nội dung phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc Chương trình mục quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, ngay sau khi Sở LĐTBXH có văn bản hướng dẫn, UBND huyện đã ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị để triển khai thực hiện. Căn cứ vào kế hoạch và nhiệm vụ được giao, phòng LĐTBXH phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề; Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện kế hoạch đào tạo nghề đáp ứng và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện triển khai công tác dạy nghề trên địa bàn.
Huyện đã lựa chọn được 02 đơn vị đáp ứng đủ yêu cầu đào tạo nghề là Trung tâm GDNN-GDTX (giáo dục thường xuyên) huyện Yên Dũng và Công ty TNHH một thành viên Chung Nga để mở các lớp đào tạo cho người lao động. Tổng số lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp được đào tạo năm 2022 là 150 người, trong đó: 01 lớp học nghề May công nghiệp: 01 lớp học nghề Điện dân dụng và 03 lớp học nghề Nuôi và phòng trừ bệnh cho gia cầm; mỗi lớp có 30 học viên.
Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các lớp đào tạo, Phòng LĐTBXH phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc đào tạo của các cơ sở GDNN, đảm bảo đủ thời lượng dạy lý thuyết và thực hành, sao cho học viên sau khóa học có thể áp dụng ngay vào thực tế. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở GDNN phối hợp với các doanh nghiệp tuyên truyền, tư vấn về việc làm sau khi được đào tạo để thu hút người lao động tham gia học nghề và làm việc tại các doanh nghiệp.
Học viên lớp học nghề Điện dân dụng chăm chú quan sát thầy giáo hướng dẫn sửa chữa thiết bị điện
Một ngày cuối năm, chúng tôi được đồng chí cán bộ LĐTBXH huyện Yên Dũng đưa đến thăm các lớp đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người lao động có thu nhập thấp đang triển khai trên địa bàn huyện. Đến thăm lớp học nghề Điện dân dụng (mở ở xã Tư mại) chúng tôi thấy hình ảnh các chị em phụ nữ độ tuổi khoảng 30 đến 50 tuổi đang say sưa tháo lắp các thiết bị điện dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của các giáo viên.
Chị Nguyễn Thị Lan cho biết: Trước đây chị làm việc ở Công ty Hồng Hải (Huyện Việt Yên) nhưng do điều kiện gia đình không có người chăm sóc mẹ già, con thơ nên chị đã xin nghỉ việc từ đầu năm nay. Biết được thông tin huyện đang triển khai dạy nghề miễn phí cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn nên chị đã đăng ký theo học với mong muốn có kiến thức và kinh nghiệm về đồ điện tử để mở một cửa hàng bán đồ điện nhỏ tại gia đình. Tham gia lớp học này chị được học lý thuyết kết hợp với thực hành ngay trên các thiết bị điện quen thuộc hàng ngày gia đình vẫn sử dụng. Sau gần 1 tháng theo học, đến nay chị đã hiểu thêm các kiến thức về các linh kiện điện tử, các mạch điện tử cơ bản… và có thể sửa chữa những hỏng hóc đơn giản của các thiết bị điện trong gia đình.
Cũng giống như chị Lan, chị Phạm Thị Văn, thuộc diện hộ nghèo mong muốn tham gia lớp học để được trang bị các kiến thức và kỹ năng về sửa chữa các thiết bị điện, từ đó có thể tự sửa chữa trong gia đình và xa hơn là mở được một cửa hàng đồ điện tử để có thêm thu nhập, giúp cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn. Chị chia sẻ: “Gia đình vốn làm nông nghiệp, kinh tế chẳng dư dả gì, nay lại càng khó khăn hơn do dịch bệnh Covid-19 hoành hành suốt hơn 2 năm qua. Khi huyện triển khai lớp đào tạo nghề miễn phí cho người nghèo tôi đã đăng ký tham gia ngay. Lớp dạy nghề được mở ngay tại xã, tôi không phải đi xa, lại được hỗ trợ thêm tiền ăn theo ngày học nên tôi có thể sắp sếp công việc gia đình để tham gia học 1 buổi/ngày. Chúng tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có chính sách rất nhân văn, giúp người nghèo chúng tôi có thêm sinh kế để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Lớp học nghề Nuôi và phòng trừ bệnh cho gia cầm
Còn tại lớp học nghề Nuôi và phòng trừ bệnh cho gia cầm (mở ở thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu), học viên đa số là các cô, các bác trung tuổi trở lên. Đang trong giờ học lý thuyết, mọi người ai nấy đều chăm chú nghe thầy giáo giảng các kiến thức về chăn nuôi và phòng bệnh cho gia cầm (gà, vịt), như: Lựa chọn giống tốt, cải tạo chuồng trại, dụng cụ nuôi gia cầm… Chị Đỗ Thị Liên cho biết: Từ nhiều năm nay, bên cạnh công việc đồng áng, gia đình chị kết hợp nuôi gà để bán giúp tăng thêm thu nhập. Hiện, đàn gà nhà chị có khoảng hơn 100 con; nếu gà phát triển ổn định và khỏe mạnh thì khoảng 5 tháng gia đình sẽ xuất bán 1 lứa, trừ chi phí thức ăn gia đình cũng chỉ dư một ít để đầu tư cho lứa tiếp theo. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm chăn nuôi và phòng bệnh nên đàn gà nhà chị rất hay bị bệnh nhất là lúc giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, có thời điểm gà có thể chết hàng loạt khiến gia đình bị thiệt hại nặng nề. Chính vì vậy, chị đăng ký tham gia khóa học này với mong muốn có thêm các kiến thức về vệ sinh chuồng trại, dinh dưỡng, phòng bệnh, trị bệnh giúp đàn gà sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh để cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Nghiêm Văn Cường, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Dũng cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND huyện, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn đến từng hộ dân để tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác GDNN và lợi ích thiết thực của việc học nghề đối với bà con; điều tra, khảo sát, tham khảo nguyện vọng của người dân về ngành nghề muốn học để mở lớp dạy nghề cho phù hợp; đồng thời vận động những người đủ điều kiện đăng ký tham gia học nghề. Đơn vị cũng đưa các máy móc, thiết bị thực hành về để mở lớp học ngay tại thôn, xóm và bố trí thời gian linh hoạt, phù hợp với điều kiện của người dân để thuận tiện cho bà con tham gia các khóa học.
Học viên lớp học nghề May Công nghiệp trong giờ thực hành
Hiện nay, đơn vị đang đào tạo 02 lớp đào tạo nghề cho người dân là nghề May Công nghiệp và Điện dân dụng. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đơn vị thực hiện xây dựng giáo án mang tính thực tế cao, để người học dễ vận dụng vào thực tế. Cử các giáo viên có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm đứng lớp, tận tình hướng dẫn học viên thực hành. Đến nay, học viên tham giá các khóa học đã có thể tự sửa chữa các đồ điện trong gia đình như: Quạt máy, nối dây điện, lắp bóng điện… Bên cạnh đó, đơn vị cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để đưa người học đến thực hành, thực tế và liên hệ việc làm phù hợp cho học viên sau khóa đào tạo nếu có nhu cầu. Thời gian tới, đơn vị dự kiến sẽ mở thêm một số ngành, nghề đào tạo như: Điện tử công nghiệp, cơ khí… để người học có thêm nhiều lựa chọn học nghề và có thêm nhiều cơ hội việc làm.
Bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chung Nga cho biết: Qua quá trình khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân về nhu cầu và nguyện vọng học nghề, công ty đã triển khai 03 lớp đào tạo nghề Nuôi và phòng trừ bệnh cho gia cầm cho người dân trên địa bàn huyện. Đơn vị cử giáo viên có chuyên môn, kinh nghiệm lâu năm trong chăn nuôi và phòng bệnh cho gia cầm để hướng dẫn bà con. Đến nay, bà con đã được học các kiến thức: Chọn giống, dụng cụ chăn nuôi và cải tạo chuồng trại; Lựa chọn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng; Nhận biết và phòng bệnh cho đàn gia cầm… Hy vọng rằng, khóa học này sẽ giúp bà con có thêm nhiều kiến thức để áp dụng vào thực tế giúp việc tăng gia, chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của bà con để mở thêm nhiều lớp dạy các nghề khác nhau, để bà con có nhiều sự lựa chọn sao phù hợp với điều kiện của gia đình và địa phương.
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự đồng thuận của người dân, tin tưởng rằng công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn huyện Yên Dũng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc trang bị các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để người lao động áp dụng vào quá trình làm việc, giúp tăng thu nhập, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Nguyễn Hiền