Giáo dục - Nghề nghiệp
Huyện Mai Sơn: Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn
09:19 AM 13/12/2023
(LĐXH) - Nhằm giúp cho người lao động được đào tạo nghề, có việc làm, ổn định cuộc sống, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với các ngành nghề phù hợp.
Huyện dạy nghề phi nông nghiệp về Kỹ thuật trồng rau theo hướng hữu cơ cho lao động nông thôn

Huyện Mai Sơn hiện có tổng dân số trên 172 nghìn người, dân số trong độ tuổi lao động 111.020 người, chiếm 64,5% tổng dân số, trong đó dân số trong độ tuổi có khả năng lao động 102.942 người. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Đến hết năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo 58%, tỷ lệ lao động được cấp bằng, chứng chỉ là 24%. Lao động làm việc trong các ngành như: Công Công tác triển khai thực hiện chính sách về giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Luật Giáo dục nghề nghiệp và pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực. Năm 2017, UBND huyện đã tổ chức sáp nhập Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và Trung tâm dạy nghề thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện; Sắp xếp lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp quy hoạch chung của huyện. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực bảo đảm về số lượng và cơ cấu nghề nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nhu cầu sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đào tạo nghề cho lao động.

UBND huyện đã giao các cơ quan đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người lao động; phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức rà soát nhu cầu người lao động có nhu cầu học nghề nhằm nâng cao năng lực thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mũi nhọn mà địa phương có lợi thế như: phát triển đào tạo nghề gắn với chế biến rau, hoa chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng sự tăng trưởng và phát triển của ngành du lịch, dịch vụ của địa phương.

Hằng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa và có chính sách khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn và cơ quan quản lý giáo dục của địa phương. Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp, từng bước chuyển dịch một phần lao động nông nghiệp sang lao động tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Trong giai đoạn 2011-2021, huyện Mai Sơn đã tổ chức thực hiện 62 lớp dạy nghề cho 2.019 lao động, trong đó: Nghề nông nghiệp 42 lớp, 1.319 lao động; Nghề phi nông nghiệp 22 lớp, 700 lao động. Số lao động có việc làm theo nghề đã học là 1.616 người, đạt 80%. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện có hiệu quả hoạt động hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh từ bậc THCS đến bậc THPT. Hàng năm, tuyên truyền định hướng nghề nghiệp trên 10.000 lượt học sinh, có hơn 6.000 học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia bồi dưỡng các lớp đào tạo nghề.

Trong năm 2023, huyện Mai Sơn đã ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với mục tiêu thực hiện có hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; Đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Huyện đặt mục tiêu đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 13.300 lượt lao động, trong đó đào tạo nghề cho 940 lao động, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 12.360 lượt lao động, cụ thể: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn số lượng 30 lớp, với 940 học viên, gồm: Nghề phi nông nghiệp 8 lớp với 253 học viên; đào tạo trình độ sơ cấp, địa điểm tổ chức tại UBND các xã; Nghề phi nông nghiệp 22 lớp cho 687 học viên; đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng. Chuyển giao khoa học kỹ thuật theo nhu cầu của nông dân và các chương trình, mô hình khuyến nông cho 12.900 lượt lao động (tương ứng 850 lao động).

Đối tượng học nghề chủ yếu tập là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học; ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người chấp hành xong án phạt tù, người bị thu hồi đất canh tác, bộ đội xuất ngũ, phụ nữ nông thôn, đặc biệt là người khuyết tật.

Tuy nhiên, theo nhận định, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Mai Sơn còn gặp một số khó khăn như: Các xã vùng xâu, vùng xa của huyện có địa hình phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều, thời gian đào tạo nghề ngắn (dưới 3 tháng) và các ngành nghề được đào tạo chưa đủ điều kiện để người lao động có một nghề chính để chuyển đổi công việc. Một bộ phận không nhỏ người dân nhận thức chưa đầy đủ về công tác đào tạo nghề cho người lao động. Công tác tuyên truyền về chế độ chính sách về dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực và tạo việc làm cho lao động chưa thường xuyên, liên tục nên việc nắm bắt thông tin của người dân về lợi ích và hiệu quả của công tác dạy nghề chưa cao. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh cho dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn hẹp; cơ sở vẫn chưa thật đảm bảo, nhất là điều kiện vận dụng thực hành của học viên. Kinh phí hỗ trợ cho lao động tham gia học nghề còn thấp, việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề chưa thật sự bền vững.

Trong thời gian tới, huyện tập trung thực hiện các giải pháp như: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, phát triển nhanh khu vực dịch vụ, mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ: dịch vụ bưu chính viễn thông đến các bản, xã; dịch vụ sửa chữa các loại máy móc, dịch vụ vận tải thủy, bộ, chế biến nông, lâm sản. Tập trung đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch nghỉ dưỡng. Tạo mối quan hệ với doanh nghiệp, nhà khoa học, hỗ trợ nhân dân trong xây dựng mô hình, cung ứng giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm… Có biện pháp phối hợp với doanh nghiệp, nhà khoa học và người trồng cây ăn quả để phát triển theo định hướng, đúng quy hoạch. Duy trì và phát triển mối liên kết "04 nhà"; có giải pháp triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất.

Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao các quy trình mới, tiến bộ mới trong công tác thâm canh cây trồng có chất lượng cao bằng cách mở các lớp đào tạo ngắn ngày các biện pháp kỹ thuật từ khâu nhân giống đến khâu thu hoạch. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển giao đến tận hộ gia đình các phương pháp, biện pháp trồng trọt, bảo vệ thực vật, công nghệ sau thu hoạch...

Đảm bảo các trung tâm học tập công đồng thực hiện hiệu quả 3 chức năng: giáo dục và huấn luyện; thông tin và tư vấn; phát triển cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển cộng đồng thông qua việc tạo cơ hội học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng./.

Hồng Phượng