Xã hội
Hà Nội: Triển khai nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật
03:03 PM 28/02/2024
(LĐXH) - Thành phố Hà Nội có 111.173 NKT, chiếm 1,33% dân số, trong đó có 18.390 NKT đặc biệt nặng, 76.665 NKT nặng; có 1.214 NKT được nhận nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng và 1.930 NKT đang được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố.
Thăm hỏi, tặng quà NKT tại quận Hoàn Kiếm
Về tổ chức Hội, hiện có 30/30 quận, huyện, thị xã thành lập Hội NKT và Hội Người mù. Thành phố cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật NKT, các chỉ thị, văn bản của Trung ương và Thành phố về trợ giúp NKT để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác NKT; tuyên truyền các tấm gương NKT vươn lên hòa nhập cuộc sống.
Thực hiện công tác xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật, đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã tổ chức xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật cho trên 105.780 người có nhu cầu. 100% NKT đang nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động – TBXH quản lý đã được cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật được thành lập và hoạt động theo đúng quy định. Danh sách NKT được lập và theo dõi quản lý tại các xã, phường, thị trấn. Việc tổ chức thực hiện xác định mức độ khuyết tật cho NKT đã tạo điều kiện cho NKT được thụ hưởng các chính sách của Thành phố, nhà nước thuận lợi hơn.
Cùng với đó, Thành phố đã thực hiện chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội cho 90.838 NKT đặc biệt nặng và nặng; 12.138 hộ gia đình nhận nuôi dưỡng NKT đặc biệt nặng được nhận trợ cấp theo đúng quy định. NKT đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, trong công tác chăm sóc sóc khỏe, phục hồi chức năng, NKT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú; hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, cấp xe lăn; 100% NKT nặng, đặc biệt nặng được cấp thẻ BHYT miễn phí. Sở Lao động – TBXH tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng năm 2023 tại 10 huyện.
Ngoài ra, thành phố còn đặc biệt quan tâm công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Sở Lao động -TBXH giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội NKT thành phố định kỳ tổ chức các phiên giao dịch lồng ghép giới thiệu việc làm giúp NKT có cơ hội tham gia tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 06 cơ sở được Sở Lao động – TBXH ra quyết định công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước và thành phố theo quy định của pháp luật như vay vốn, miễn thuế thu nhập, tham gia các hoạt động giới thiệu sản phẩm tại các lễ kỷ niệm, ngày hội, tọa đàm các mô hình doanh nghiệp tạo việc làm cho NKT.
Bên cạnh đó, thành phố còn triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT và gia đình NKT thông qua hoạt động vay vốn, giải quyết việc làm được thực hiện ở 579 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Một số mô hình sinh kế của NKT hoạt động có hiệu quả như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, cung cấp dịch vụ và kinh doanh nhỏ lẻ. Ngoài ra, các chương trình, dự án trong và ngoài nước đã hỗ trợ một số mô hình sinh kế cho NKT và gia đình NKT mang lại hiệu quả, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nâng cao nhận thức về NKT tại cộng đồng.
Thành phố đặc biệt chú trọng công tác nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên, cộng tác viên về trợ giúp NKT. Sở Lao động – TBXH đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tổ chức tập huấn hàng năm cho nhân viên đang công tác tại các trung tâm bảo trợ xã hội; cán bộ lao động xã hội tại các xã, phường, thị trấn và một số tổ chức, đoàn thể như MTTQ, Phụ nữ, Đoàn thanh niên… về công tác xã hội chăm sóc sức khỏe tâm thần và tham vấn, tư vấn cho đối tượng cần sự trợ giúp và bảo vệ khẩn cấp.
Theo đánh giá của Sở Lao động – TBXH thành phố Hà Nội, thời gian qua, các cấp, các ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các hội, đoàn thể liên quan đã triển khai kịp thời, hiệu quả Luật NKT và các văn bản của Trung ương, Kế hoạch của thành phố, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT Thành phố. Đồng thời tạo điều kiện khuyến khích NKT tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho xã hội. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tuyên truyền và triển khai thực hiện các Kế hoạch của Trung ương và thành phố về trợ giúp NKT trên địa bàn thành phố và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Rà soát các chỉ tiêu trong Kế hoạch để đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu đề ra. Trong công tá bố trí nguồn lực thực hiện, các sở, ngành, hội đoàn thể căn cứ chức năng nhiệm vụ và dự toán được giao để thực hiện công tác chăm sóc NKT. Tiếp tục vận động, tiếp nhận các nguồn viện trợ, dự án dành cho NKT và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Kế hoạch trợ giúp NKT tại các địa phương./.

Hồng Phượng