Lao động
Hà Nội: Tăng tỷ lệ lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tham gia BHXH
06:40 AM 11/10/2017
Ngày 6/10 vừa qua, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020”; Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn trao Bằng khen
của Ban Thường vụ Thành ủy cho các tập thể, cá nhân
Các đồng chí: Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam; Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP dự hội nghị.
Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và Chương trình hành động số 19-CTr/TU của Thành ủy, công tác bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, toàn Thành phố có 64.709 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), với tổng số 1.431.495 lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, tăng trên 30,5 nghìn đơn vị (tương ứng 89,6%) và trên 277 nghìn lao động (tương ứng 24%) so với năm 2012.
Bên cạnh đó, số đối tượng tham gia BHYT tăng dần qua các năm, nhất là các đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, hộ nghèo, học sinh sinh viên. Đến nay, toàn Thành phố có trên 6 triệu người tham gia BHYT, tăng trên 1,444 triệu người so với năm 2012. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng được mở rộng, từ 12.184 người (năm 2012) lên 23.571 người (năm 2017), tăng 83,9%. 
Trong 5 năm qua, số thu BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Thành phố đạt trên 108,5 nghìn tỷ đồng, tăng trên 93 nghìn tỷ đồng (607,7%) so với năm 2012. Số chi BHXH đạt trên 116,7 nghìn tỷ đồng với gần 5,4 triệu lượt đối tượng thụ hưởng, tăng gần 98 nghìn tỷ đồng và trên 4,27 triệu lượt đối tượng thụ hưởng so với năm 2012. Đặc biệt, chất lượng khám chữa bệnh BHYT được nâng lên, hiện toàn Thành phố có 205 cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, cùng với đó là 30 trung tâm y tế cấp quận, huyện và 467 trạm y tế xã, phường tham gia khám chữa bệnh BHYT. Từ năm 2013 đến nay, có trên 25,8 triệu lượt người khám chữa bệnh bằng BHYT với tổng số chi trên 23,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 5 bệnh nhân được BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh từ 1-1,24 tỷ đồng.
Về kết quả thực Chỉ thị số 20-CT/TW, đến nay 100% trẻ em trong các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua BHYT; trên 99,2% trẻ dưới 6 tuổi được cấp BHYT; tỷ lệ trẻ suy dưỡng thể thấp còi giảm dần theo từng năm, hiện còn 13,6%. Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng mở rộng đã duy trì tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ dưới 1 tuổi; tỷ lệ huy động trẻ đi học đúng độ tuổi đạt 100%... số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em năm 2016 là 540/584, đạt 92,5%.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn và Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đánh giá: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và Chỉ thị 20-CT/TW, nhận thức và trách nhiệm lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đã thấm được đến các ngành, đơn vị và cơ sở, chính vì thế đạt được những kết quả tích cực, nhất là số đối tượng, số thu BHXH, BHYT tăng nhanh, đều và vững chắc qua các năm. Hà Nội cũng là địa phương có số chi BHXH, BHYT lớn nhất cả nước, song công tác chi trả chế độ, chính sách được thực hiện an toàn, đúng quy định. Ngoài ra, BHXH Hà Nội cũng là đơn vị đi đầu trong ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính của ngành. Chất lượng chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em cũng có bước chuyển biến tích cực, đã huy động trách nhiệm của toàn xã hội cùng chung tay thực hiện công tác này… Những kết quả đó đã góp phần đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
 
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu kết luận hội nghị
Bên cạnh những kết quả trên, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như tỷ lệ doanh nghiệp tham gia BHXH còn thấp, trong khi số nợ BHXH còn cao so với tổng số phải thu, chiếm khoảng 10%; việc sử dụng BHYT còn tình trạng vượt quỹ, một số trường hợp còn để xảy ra tiêu cực; việc chăm lo đến các hoạt động văn hóa, tinh thần cho trẻ em nhìn chung còn thiếu…
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng yêu cầu các cấp, ngành của Thành phố tăng cường quản lý nhà nước, giảm số nợ BHXH cũng như sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Đặc biệt, tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động, đảm bảo chế độ BHXH, BHYT để tăng tỷ lệ người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tham gia BHXH, BHYT. Đồng chí cũng giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì tham mưu cho Thành phố tổ chức hội nghị chuyên đề, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp căn cơ để giải quyết bền vững vấn đề nợ BHXH của doanh nghiệp.
Về thực hiện Chỉ thị 20, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tiếp tục xác định việc chăm lo, giáo dục và bảo vệ trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, mà nằm trong tổng thể chung phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, chính vì thế cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển công tác này, đặc biệt cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng tham gia, nhất là việc đầu tư công trình văn hóa, thể thao cho trẻ em.
Nhân dịp này, BHXH Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 18 tập thể, 11 cá nhân; Ban Thường vụ Thành ủy tặng Bằng khen cho 29 tập thể và 8 cá nhân có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và Chỉ thị 20-CT/TW.

Trọng Hoàn