Lao động
Hà Giang: Năm 2020, hơn 2.300 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
12:16 PM 29/01/2021
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người lao động vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi số người mất việc vẫn tiếp tục tăng và rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới.
Tại Hà Giang, điều này được thể hiện rất rõ khi trong năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của 2.350 người; số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.176 người. Đây là con số cao nhất trong những năm trở lại đây.
Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp cũng lên tới hơn 27 tỷ đồng, trong đó: mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 2.844.000 đồng/người/tháng, số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân gần 4/tháng/người, người hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất là 10,5 triệu đồng/tháng; người hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp nhất là 1.054.920 đồng/tháng.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm hướng dẫn người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Để hỗ trợ người lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ, Trung tâm cũng đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề khi người lao động đến thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng và qua các hội nghị tuyên truyền tư vấn giới thiệu việc làm, với gần 9.300 lượt người tham gia; tổ chức in và phát gần 9.000 tờ rơi tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức lấy phiếu đánh giá mức độ hài lòng của người lao động trong giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, chi trả trợ cấp thất nghiệp, hình thức chi trả, thủ tục chi trả, công tác tư vấn việc làm, học nghề, tư vấn về chính sách, tư vấn thủ tục, giới thiệu việc làm…. Qua đó, người lao động đánh giá ở mức rất hài lòng và hài lòng chiếm tỷ lệ cao.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tích cực, chủ động trong công tác đôn đốc thu hồi trợ cấp thất nghiệp; Văn phòng của Trung tâm tại huyện Bắc Quang, Yên Minh và Hoàng Su Phì cũng hoạt động tích cực, nhằm giải quyết nhu cầu cho lao động các địa phương lân cận, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, vừa giảm tải cho Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Đặc biệt, ngày 14/01/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã ban hành Văn bản số 133/UBND-VHXH về việc đẩy mạnh thực hiện công tác giải quyết việc làm. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể triển khai và thực hiện:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về lao động, việc làm đến mọi người dân, các tổ chức, cá nhân và người lao động. Chủ động tiếp cận, mở rộng thị trường và kết nối cung, cầu lao động, nhất là thị trường lao động trong nước để đưa lao động đi làm việc;
Chỉ đạo các phòng chức năng, các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới; bảo đảm an toàn lao động; nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Quán triệt và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TU ngày  06/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh; Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Chương trình của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.  Tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án, nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; triển khai thực hiện các chính sách việc làm công, chính sách hỗ trợ cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp. Hỗ trợ tạo việc làm, cải thiện điều kiện làm việc cho lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhóm lao động yếu thế.
- Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn mục tiêu dạy nghề với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động; Đẩy mạnh việc liên kết trong đào tạo nghề, nhất là với các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo nghề có gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động.  
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách về hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ - CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ; đẩy mạnh công tác cho vay, thu hồi vốn vay và giải ngân nguồn vốn kịp thời, gắn việc cho vay với hướng dẫn sử dụng hiệu quả nguồn vốn, góp phần vào tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài và làm việc ngoài tỉnh theo Nghị quyết số 27/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh, kịp thời hỗ trợ, động viên người lao động đi làm việc ngoài tỉnh, đi xuất khẩu lao động góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững;
- Các huyện, thành phố, nhất là các huyện biên giới phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền và quản lý đối với lao động tự do sang Trung Quốc làm việc. Chủ động trao đổi với địa phương phía Trung Quốc thống nhất giải pháp tổ chức triển khai thực hiện việc đưa lao động sang Trung Quốc làm việc theo Thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới khi điều kiện hai bên cho phép.
- Đề nghị các Tổ chức đoàn thể tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách về lao động, việc làm, phối hợp tư vấn, vận động người lao động, hội viên, đoàn viên đi làm việc ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động và phát triển sản xuất - kinh doanh để tự tạo việc làm và thu hút lao động vào làm việc…
PV